Nhiều dấu hiệu “khuất tất” trong vụ án bán hóa chất

Kỳ Văn
Cá nhân bị truy tố hành vi phạm tội, nhưng chứng cứ làm căn cứ buộc tội lại do pháp nhân thực hiện; căn cứ dùng để buộc tội bị cáo dựa vào những lời khai của bị cáo thể hiện mâu thuẫn với chứng cứ vật chất. Những điều này có dấu hiệu áp dụng không đúng pháp luật...

Quýt” làm, “cam” chịu?

Theo hồ sơ vụ án, năm 2010, bà Nguyễn Thị Thu Hoà, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ thành lập Công ty TNHH MTV Phạm Sơn (Công ty Phạm Sơn) trụ sở tại TP Cần Thơ, do chồng là ông Phạm Thu Ngàn làm đại diện pháp luật. Công ty có danh mục kinh doanh hóa chất được Bộ Công Thương cấp giấy phép, trong đó có dung môi dùng trong công nghiệp có công dụng dùng để pha sơn nước, sản xuất mực in, tẩy rửa công nghiệp, chất đốt lò hơi công nghiệp...

Quá trình kinh doanh, Công ty Phạm Sơn kí hợp đồng bán dung môi cho các cá nhân, doanh nghiệp. Việc kinh doanh diễn ra bình thường cho đến ngày 24/1/2019, cơ quan chức năng bắt quả tang cửa hàng xăng dầu Lam Duyên, ở thôn 7, xã Đắk N’Rung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông có hành vi pha 3.000 lít dung môi để pha xăng A95 chính hãng bán ra thị trường thu lợi bất chính. Chủ cây xăng khai mua dung môi của Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Thu Trang. Chủ doanh nghiệp Thu Trang khai mua dung môi của Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Tâm Đức Đắk Nông. Doanh nghiệp này khai mua dung môi của Công ty Phạm Sơn.

Hợp đồng Công ty Phạm Sơn bán dung môi cho khách hàng quy định rất rõ bên mua tự chịu trách nhiệm về mục đích sử dụng.
Hợp đồng Công ty Phạm Sơn bán dung môi cho khách hàng quy định rất rõ bên mua tự chịu trách nhiệm về mục đích sử dụng.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố bị can đối với bà Hòa và kết luận bà Hòa có liên quan đến hành vi pha chế dung môi vào xăng (làm xăng giả). Sau đó Viện KSND tỉnh Đắk Nông ban hành Cáo trạng số 40/CT- VKS-P1 ngày 2/7/2021 (Cáo trạng số 40) truy tố bà Hòa theo điểm a, b, Khoản 3, Điều 192, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Bà Hòa không đồng ý với kết luận điều tra, cũng như cáo trạng của Viện KSND truy tố bà với hành vi trên.

Theo hồ sơ, khoảng thời gian từ đầu năm 2017 đến giữa năm 2019, Công ty Phạm Sơn đã bán hoá chất cho 291 doanh nghiệp và cá nhân, trong đó có doanh nghiệp, cá nhân bị khởi tố trong vụ án là: Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Tâm Đức Đắc Nông 940.000 lít dung môi; bán cho Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh Việt 20.021.500 lít dung môi; bán cho ông Nguyễn Ngọc Quan hơn 1.300.000 lít dung môi. Các giao dịch đều được Công ty Phạm Sơn kí hợp đồng, xuất hoá đơn VAT, báo cáo nộp thuế theo đúng quy định pháp luật. Số tiền Công ty Phạm Sơn thu về từ các hợp đồng bán dung môi, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Nông lấy con số đầu ra bán hàng trừ đi con số đầu vào mua hàng thì ra số tiền 2.647.000.000 đồng. Đây là số tiền đầu ra và đầu vào trong kinh doanh, sau khi trừ chi phí và thuế chính là tiền lãi kinh doanh bình thường của Công ty Phạm Sơn. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT đã lấy số tiền này làm căn cứ cáo buộc đó là số tiền bà Hòa thu lợi bất chính trong vụ án.

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, toàn bộ hoạt động cung cấp dung môi từ Công ty Phạm Sơn cho bên mua là hoạt động kinh doanh thương mại được pháp luật công nhận. Toàn bộ hành vi bán dung môi, thu tiền là của Công ty Phạm Sơn, người kí hợp đồng bán cũng không phải cá nhân bà Hòa. Nếu cáo buộc các giao dịch này là hành vi tội phạm thì cơ quan điều tra phải khởi tố pháp nhân thương mại là Công ty Phạm Sơn, nhưng lại khởi tố bà Hòa là có dấu hiệu xác định sai chủ thể từ pháp nhân sang cá nhân. Việc này, thể hiện “quýt” làm, “cam” chịu?

Bị cáo khẩn thiết kêu oan

Luật sư Trần Đình Dũng cho rằng, ngoài lời khai ra, nhằm củng cố chứng cứ vật chất liên quan tới việc bà Hòa bàn bạc với người sản xuất xăng giả, Công an tỉnh Đắk Nông đã đưa vào một đoạn chát qua zalo giữa bà Hòa với Lưu Phạm Quốc Anh có nội dung nói về tăng giảm áp lực cháy (độ RON). Trong khi đó, ông Lưu Phạm Quốc Anh không phải là người mua hoá chất dung môi của bà Hòa và giao dịch này cũng không xảy ra trên thực tế, đơn thuần đây chỉ là trao đổi chuyên môn với nhau. Như vậy, nếu dùng đoạt chat zalo để làm chứng cứ buộc tội là khiên cưỡng, thiếu vững chắc.

Luật sư Phạm Công Hùng (Công ty Luật TNHH MTV Công Hùng và cộng sự) cho rằng, Khoản 2, Điều 98, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm căn cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”. Chứng cứ hồ sơ vụ án là những hợp đồng bán dung môi Công ty Phạm Sơn kí với các bên mua đều có một điều khoản rất rõ ràng quy định về mục đích sử dụng: “Toàn bộ số hàng hóa mua bán theo hợp đồng này được bên mua cam kết và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về việc sử dụng hàng hóa đúng mục đích và tuân thủ các quy định của Nhà nước trong việc sản xuất, kinh doanh”.

Luật sư Phạm Công Hùng cho rằng, cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự bị cáo Hòa chỉ là lời khai của bị cáo Hòa ở giai đoạn điều tra. Những lời khai hoàn toàn mâu thuẫn với hệ thống chứng cứ vật chất tại các hợp đồng mua bán, trong đó có ràng buộc trách nhiệm bên mua là không được sử dụng dung môi trái quy định của pháp luật. Quá trình điều tra, truy tố, cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét hệ thống chứng cứ vật chất để suy đoán gỡ tội cho bị cáo Hòa mà lại làm ngược lại là có dấu hiệu vi phạm Điều 15, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Từ ngày 20 đến 30/12/2021, TAND tỉnh Đắk Nông đưa vụ án ra xét xử, bà Hòa bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù do phạm tội Sản xuất hàng giả. Bà Hòa kêu oan cho rằng, bản thân không hay biết bên mua dung môi sử dụng vào mục đích pha xăng. Bà Hòa cũng cho rằng, lời khai giai đoạn điều tra được điều tra viên “hướng dẫn” khai, viết. Đáng nói bà bị giam 5 tháng mới được thả, trong khi bà có con nhỏ mới 22 tháng tuổi nhưng cơ quan tố tụng lại xác định bà bị tạm giam 10 ngày (từ ngày 31/5/2019-10/6/2019). Hiện bà Hòa đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm lên TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

Điều 13. Suy đoán vô tội

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Điều 98. Lời khai của bị can, bị cáo

1. Bị can, bị cáo trình bày những tình tiết của vụ án.

2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.