Nhiều ngân hàng siết cho vay kinh doanh bất động sản

Kỳ Văn
Nhiều ngân hàng đã giảm mạnh dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản trong nửa đầu năm 2021. Nửa cuối năm, các nhà băng cũng cho biết dự kiến thắt chặt lĩnh vực này và các đợt giảm lãi suất gần đây cũng không áp dụng với các khoản vay kinh doanh BĐS.
nhieu-ngan-hang-1630031079.jpg

Theo báo cáo tài chính bán niên đã kiểm toán, nhiều ngân hàng đã giảm dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, BCTC của LienVietPostBank cho biết, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản của ngân hàng giảm tới 52% trong nửa đầu năm xuống còn 1.672 tỷ đồng. Theo đó, tỷ trọng của dư nợ cho vay BĐS tại ngân hàng này chỉ còn 0,87%.

Tại VPBank, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản cũng giảm 12% xuống 32.422 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền vẫn chảy mạnh vào cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất, dư nợ tăng 26% lên hơn 45.800 tỷ đồng.

Tương tự, dư nợ hoạt động kinh doanh bất động sản tại ABBank giảm 13% xuống 2.694 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền chảy mạnh vào các lĩnh vực khác như

Còn tại MB, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản giảm nhẹ 75 tỷ đồng xuống 9.320 tỷ đồng. Trong khi đó, MB đẩy mạnh tín dụng chảy vào các lĩnh vực khác như hoạt động làm thuê hộ gia đình; cho vay bán buôn bán lẻ, ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến chế tạo. Tổng dư nợ tín dụng chung của MB tăng 10,9% trong nửa đầu năm và đạt hơn 314.900 tỷ đồng. Hiện cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ tại MB, chỉ 3,31%.

Tại một số ngân hàng khác, dư nợ tín dụng bất động sản tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2021, tuy nhiên mức tăng trưởng thấp hơn so với mặt bằng chung của dư nợ toàn nền kinh tế. Chẳng hạn tại ACB, dư nợ cho vay hoạt động tư vấn và kinh doanh bất động sản tăng 3,7% lên 4.915 tỷ đồng. Mức tăng này thấp hơn so với mặt bằng chung, tổng tín dụng các lĩnh vực kinh tế tại ACB tăng 9,4% trong 6 tháng đầu năm, đạt 336.652 tỷ đồng. Hiện lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm 1,46% trong tổng dư nợ cho vay của ACB.

Ở chiều ngược lại, vẫn có một số ngân hàng đẩy mạnh cho vay kinh doanh bất động sản trong nửa đầu năm. Chẳng hạn tại Techcombank, dư nợ hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 11% lên hơn 101 nghìn tỷ đồng. TPBank cũng ghi nhận dư nợ cho vay ở lĩnh vực này tăng 10,7% lên 8.984 tỷ đồng.

Tại cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo, Thống kê - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện, các TCTD cho biết sẽ nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình đối với hầu hết các nhóm khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, các nhà băng vẫn dự kiến thắt chặt đối với lĩnh vực Đầu tư kinh doanh chứng khoán, Đầu tư kinh doanh bất động sản, Kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm và Đầu tư, kinh doanh du lịch.

Trong đợt giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân mới đây, một số nhà băng cũng cho biết không áp dụng cho dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản. Đối tượng ưu tiên giảm lãi suất chủ yếu là những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế.

Vietcombank – "ông lớn" ngân hàng mới đây cho biết sẽ tiếp tục giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương và giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nhà băng này lưu ý, việc giảm lãi suất trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết đang có nhiều khó khăn phải đối mặt do dịch Covid-19 và kiến nghị ngân hàng cũng giảm lãi suất hỗ trợ. Tại một Tọa đàm trực tuyến mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho biết công ty bất động sản đang có nhiều khó khăn, nhất là vấn đề dòng tiền. Doanh thu ngưng trệ, không thu về lợi nhuận mà lãi suất ngân hàng và lãi từ vay các nguồn khác vẫn phải trả theo tháng.

Theo đó, bà Hương cho rằng, các ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ và giảm để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án nhằm đưa ra sản phẩm vào quý 4 năm nay. Còn với những doanh nghiệp môi giới, để có thể duy trì được hoạt động cần chi trả chi phí mặt bằng, nhân viên, cũng rất cần đến vốn vay để trả lương. Hiện nay nguồn vốn vay để trả lương mà các doanh nghiệp tiếp cận được rất thấp.

Hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng và các hình thức huy động tài chính khác. Trong trạng thái bình thường khi dòng tiền ổn định thì khả năng trả nợ vay được đảm bảo. Tuy nhiên, trong tình huống hiện nay khi doanh thu và dòng tiền sụt giảm nghiêm trọng thì áp lực tài chính lên các chủ đầu tư là vô cùng lớn và rủi ro cao.

Trước đó, HoREA (Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM) cũng có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Các ngân hàng thương mại được đề nghị xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn.

Đồng thời, HoREA đề nghị các NHTM xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án.

Nhiều chuyên gia cho biết, lãi suất cho vay bất động sản hiện nay đã rất thấp trong nhiều năm, nếu tiếp tục giảm nữa, nguy cơ rủi ro cho thị trường là rất cao. Các đợt sốt đất thời gian qua cũng sẽ khiến nhà băng e ngại rót tiền vào lĩnh vực này. Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần cho biết tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro trong đó có bất động sản.

Dù vậy, hiện nhiều ngân hàng vẫn có chính sách giảm lãi vay hướng đến ưu đãi cho người có nhu cầu mua nhà để ở thật, đồng thời thẩm định kỹ càng để tránh nới lỏng cho giới đầu cơ.