Một công trình xây dựng trái phép ở xã Tân An Hội, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: NGUYÊN ANH
Mới đây, Thanh tra TP Hồ Chí Minh chỉ ra nhiều vi phạm pháp luật trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Củ Chi giai đoạn 2016 - 2019.
Theo đó, về công tác quản lý đất đai, dù chưa khảo sát nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân (theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhưng UBND huyện Củ Chi đã lập kế hoạch sử dụng đất cho các năm 2016, 2017 và 2018. Bên cạnh đó, UBND huyện còn tự ý điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở từ xã này sang xã khác, nhưng chưa thông qua HÐND huyện trước khi trình UBND thành phố phê duyệt. Ðây là hành vi vi phạm quy định tại Ðiều 46 và Ðiều 12 Luật Ðất đai năm 2013. Sự việc này xảy ra chủ yếu ở các xã Bình Mỹ, Tân Phú Trung và Tân Thạnh Ðông (là các xã đô thị hóa nhanh, giá đất cao hơn mặt bằng chung).
Cùng với đó, huyện Củ Chi đã giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn đối với 151 trường hợp và 70 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trong Khu đô thị tây bắc Củ Chi không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt.
Việc tách thửa đất theo quy định của UBND thành phố (Quyết định số 60/2017/QÐ-UBND ngày 5-12-2017 của UBND thành phố, quy định diện tích tối thiểu được tách thửa) và hướng dẫn của Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố cũng để xảy ra nhiều vi phạm. Cụ thể, UBND huyện đã cho phép tách thửa khi chưa xây dựng và chưa ban hành kế hoạch thực hiện công tác tách thửa cụ thể từng năm; chưa xây dựng kế hoạch tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu vực quy hoạch chức năng đất dân cư hiện hữu, đất dân cư hiện hữu kết hợp chỉnh trang… để làm cơ sở quản lý đô thị theo quy hoạch được duyệt…
Hậu quả là UBND huyện đã cho phép tách thửa (thành đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật) đối với 18 trường hợp với diện tích thực tế hơn 22,6 ha có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp, hoặc vừa là đất ở nhưng có một phần diện tích là đất nông nghiệp khi chưa chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở.
UBND huyện cũng cho phép tách thửa 23 trường hợp đất ở với diện tích hơn 22,86 ha không phù hợp quy hoạch được duyệt; 18 trường hợp tách thửa đất ở không thực hiện đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.
Cùng với công tác quản lý đất đai, công tác quản lý xây dựng ở huyện Củ Chi cũng xảy ra nhiều sai phạm. Theo đó, UBND huyện đã cấp phép xây dựng cho nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện xây dựng tại các khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư, quy chế quản lý quy hoạch…
Theo kết quả thanh tra của Sở Xây dựng thành phố, trong năm 2018, chỉ xét trên hơn 1.000 hồ sơ cấp giấy phép xây dựng chọn mẫu kể kiểm tra, đã có 263 hồ sơ có biểu mẫu và thành phần không đúng quy định; có 194 hồ sơ không có chữ ký, họ và tên của cán bộ thụ lý tại Phiếu kiểm soát quy trình giải quyết hồ sơ; có 185 hồ sơ không có biên bản kiểm tra thực địa trước khi cấp giấy phép xây dựng; có 115 hồ sơ cấp giấy phép xây dựng tại khu vực chưa có quy hoạch phân khu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định…
Ðáng chú ý, UBND huyện Củ Chi đã cấp giấy phép xây dựng, có bản vẽ được duyệt kèm theo giấy phép xây dựng có nhiều căn nhà riêng biệt, liền kề, có hệ móng, mặt tiền riêng biệt… đối với 170 trường hợp (hồ sơ). Tình trạng này xảy ra tại 8 trong số 20 xã thuộc huyện; có trường hợp một cá nhân được cấp tới 10, 16 giấy phép xây dựng; thậm chí, có trường hợp một cá nhân được cấp tới 30 giấy phép xây dựng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong giai đoạn 2016 - 2019, một Chủ tịch UBND huyện Củ Chi đã ký tổng cộng 23 trong số 51 công văn cho phép xây dựng nhà kho, nhà xưởng với diện tích lớn không phù hợp quy hoạch và trái phép (trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng). Ðồng thời, một Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cấp 542 giấy phép xây dựng nhà nhiều căn (2.734 căn nhà) không bảo đảm hạ tầng kỹ thuật (nhà "ba chung": chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà)…
Cùng với đó, trực tiếp ký 151 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp quy hoạch; ký 28 trong số 51 công văn xây dựng nhà kho, nhà xưởng với diện tích lớn không phù hợp quy hoạch và trái phép (trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng), ký 26 giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc phụ lục điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng sai phép nhưng chưa được xử lý sai phạm…
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Củ Chi Lê Thanh Phong, từ năm 2017 Ban Thường vụ Huyện ủy đã chất vấn Thường trực UBND huyện về tình trạng xây nhà "ba chung" ở xã Bình Mỹ (địa bàn nóng nhất về đất đai và trật tự xây dựng). Sau đó, từ chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Thanh tra huyện đã thanh tra công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng ở xã Bình Mỹ. Trên cơ sở kết quả thanh tra này, Thường trực Huyện ủy đã có ý kiến đề nghị UBND huyện ngừng cấp phép xây dựng nhà "ba chung".
Tuy nhiên, dù đã có ý kiến của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Củ Chi tạm ngừng cấp phép xây dựng (văn bản ngày 31-10-2018) nhưng sau đó đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện (phụ trách đất đai, xây dựng) vẫn ký cấp giấy phép 13 trường hợp xây dựng nhà nhiều căn.
Theo Sở Xây dựng thành phố, việc UBND huyện Củ Chi cấp giấy phép xây dựng, có bản vẽ được duyệt kèm theo giấy phép xây dựng có nhiều căn nhà riêng biệt, liền kề… chưa bảo đảm các điều kiện cấp giấy phép xây dựng đã vi phạm nhiều quy định của pháp luật, gây ra nhiều hậu quả rất phức tạp cho người dân lẫn cơ quan quản lý nhà nước.
Trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra của Sở Xây dựng đã đề nghị UBND huyện Củ Chi cung cấp gần 1.400 hồ sơ cấp giấy phép xây dựng mà UBND huyện tiếp nhận, chiếm gần 15% tổng số hồ sơ cấp giấy phép xây dựng UBND huyện đã tiếp nhận.
Tuy nhiên, sau ba lần làm việc (các lần cách nhau từ 15 ngày đến hơn 30 ngày) và đến cả lần cuối (ngày kết thúc thanh tra tại đơn vị) đoàn thanh tra chỉ nhận được hơn 1.000 hồ sơ, chỉ đạt gần 73% số lượng hồ sơ theo yêu cầu, trong đó số hồ sơ cấp giấy phép xây dựng mới được cung cấp chỉ đạt 72% số lượng hồ sơ theo yêu cầu.
Theo Sở Xây dựng, việc UBND huyện Củ Chi chưa cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan nội dung thanh tra là vi phạm khoản 2, Ðiều 10 Luật Thanh tra năm 2010.
Từ những sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng nói trên, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thi hành kỷ luật khiển trách đối với một số cán bộ liên quan.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng với những sai phạm có hệ thống, có dấu hiệu cố ý như vậy, Thành ủy TP Hồ Chí Minh và chính quyền cấp trên cùng các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm minh hơn để lấy lại niềm tin trong nhân dân.