Liên tục trì hoãn “chuyển nhà"
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) được biết đến là doanh nghiệp sản xuất lúa gạo lớn…
Thành lập năm 1993, tiền thân là Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang, đến nay đã hơn 3 thập kỷ Lộc Trời kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và hơn 2 thập kỷ doanh nghiệp ghi tên trong dấu ấn ngành gạo Việt Nam.
Năm 2017, Lộc Trời đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán UPCoM với mức giá tham chiếu 55.000 đồng/cổ phiếu, trở thành công ty nông nghiệp lớn nhất thị trường chứng khoán. Nhưng 6 năm đã qua, cổ phiếu LTG vẫn “ở yên" trên sàn UPCoM, bất chấp hối thúc của cổ đông và hàng loạt quyết tâm vẫn nằm trên… văn bản.
Theo đó, nội dung chuyển giao dịch cổ phiếu LTG từ UPCoM sang HOSE đã được ĐHĐCĐ thường niên 2018 thông qua, tuy nhiên, trong 2 kỳ họp sau đó vào các năm 2019, 2020, quyết định này liên tục được gia hạn. Đến ĐHĐCĐ thường niên 2022, cổ đông của Lộc Trời lại tiếp tục gia hạn kế hoạch này chậm nhất đến năm 2025.
Mới đây, Lộc Trời đã cập nhật tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024. Điểm mới trong tài liệu cập nhật là tờ trình chấp thuận và đưa kiến nghị “Thảo luận và thông qua việc triển khai niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) trong năm 2024” vào chương trình làm việc.
Kiến nghị trên theo căn cứ của Marina Viet Pte. Ltd. Đây là cổ đông lớn nhất, hiện đang nắm giữ 25,12% vốn điều lệ của Lộc Trời.
Từ đỉnh kinh doanh đến nợ tiền nhân viên…
Nhìn lại 6 năm trên sàn chứng khoán, từ năm 2017-2018, doanh thu của Lộc Trời chạm đỉnh với mốc 9.031 tỷ đồng vào năm 2018; lợi nhuận đi ngang quanh khoảng 414 tỷ đồng.
Những năm sau đó, tình hình kinh doanh của công ty ghi nhận nhiều sự sụt giảm về cả doanh thu và lợi nhuận, song, đến năm 2021 Lộc Trời báo lãi 418 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020; là đỉnh lợi nhuận 6 năm của công ty từ 2015.
Đáng chú ý, năm 2023, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 16.088 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2022. Đây là mức doanh thu cao nhất mà công ty ghi nhận trong lịch sử hoạt động.
Trong đó, xét về cơ cấu doanh thu, doanh thu lĩnh vực lương thực – lúa, gạo tăng 74,7% so với cùng kỳ, lên 11.226 tỷ đồng và chiếm 70% tổng doanh thu; doanh thu lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật giảm nhẹ 9,5% so với cùng kỳ, về 3.825 tỷ đồng và chiếm 24% tổng doanh thu…
Dù doanh thu kỷ lục nhưng sau thuế công ty báo lãi vỏn vẹn 16,5 tỷ đồng giảm 95% so với năm trước đó.
Tiếp diễn sự khó khăn của năm 2023, bước sang quý I/2024, Lộc Trời ghi nhận lỗ tới 96 tỷ đồng bất chấp doanh thu vẫn tăng mạnh. Theo đó, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.848 tỷ đồng, tăng tới 57% so với quý I/2023.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Lộc Trời cho biết, do tỉ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần năm nay cao hơn so với cùng kỳ (giá vốn tăng 65% trong khi doanh thu chỉ tăng 57%), cộng với chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỉ giá tăng nhanh hơn mức tăng của các khoản doanh thu/thu nhập khác nên lãi ròng của doanh nghiệp đã giảm mạnh.
Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/3, nợ vay tài chính của Lộc Trời đạt 6.327 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn. Đáng chú ý, theo những gì được thuyết minh, Lộc Trời có khoản vay với nhân viên trị giá 30,3 tỷ đồng, bao gồm: vay cán bộ công nhân viên 28,3 tỷ đồng và vay công đoàn cơ sở Tập đoàn Lộc Trời 2 tỷ đồng theo hình thức tín chấp đến tháng 10/2024
Đi ngược với tín hiệu thị trường
Tình hình kinh doanh sa sút của Lộc Trời diễn ra trong bối cảnh toàn ngành gạo ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, liên tục phá kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu. Giá gạo Việt Nam theo đó mà luôn neo đậu ở vùng đỉnh của giá gạo thế giới.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, sản lượng gạo trung bình Việt Nam xuất khẩu mỗi năm từ 6,5-7 triệu tấn; riêng năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu kỷ lục 8,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 4,6 tỷ USD. Bước sang năm 2024, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục đà tăng với kim ngạch đạt 3,17 triệu tấn, tăng 33% tương đương 2,04 triệu USD.
Với những thời cơ chưa từng có của toàn ngành, Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp có những động thái đi đầu, đón thời cơ với nhiều đơn hàng được ký có giá trị cao với đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, đầu tháng 5 vừa qua, Lộc Trời vướng phải lùm xùm lớn về việc nợ tiền lúa của nông dân. Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho thấy vụ Đông Xuân 2023-2024, Tập đoàn Lộc Trời nợ 245 tỷ đồng tiền mua lúa của hơn 900 nông dân huyện Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Tri Tôn. Tương tự, tại Đồng bằng Sông Cửu Long, các sở nông nghiệp cho biết Lộc Trời còn nợ 227 tỷ đồng.
Ký được nhiều đơn hàng lớn, doanh thu khủng nhưng Lộc Trời lại phải “nhờ” đến sự phối hợp của TPBank mới có thể hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền 472 tỷ đồng thu mua lúa còn thiếu, thực hiện đúng cam kết thanh toán, trả nợ tiền lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 với bà con nông dân và chính quyền địa phương khu vực ĐBSCL.
Song song với đó, Lộc Trời cũng chấp thuận cho Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn thế chấp toàn bộ gần 3,2 triệu cổ phiếu đang nắm giữ để bảo đảm cho nghĩa vụ vay vốn tại ngân hàng.
Trong bối cảnh thị trường chung phục hồi từ tháng 9/2023, giá cổ phiếu LTG chứng kiến đà giảm còn 22.100 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 24/5. Tạm tính theo mức giá này, giá trị cổ phiếu ông Thòn cầm cố đạt khoảng 71 tỷ đồng.
Phương Anh