Nhóm lao động nào bị giảm lương nhiều nhất bởi Covid-19?

Kỳ Văn
26% người lao động bị cắt giảm lương ở nhiều mức khác nhau vì dịch Covid-19, trong đó cấp Tổng Giám đốc, Phó tổng Giám đốc là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Đây là kết quả khảo sát trong báo cáo về “Thị trường nhân sự 2021: Cơ hội việc làm - thách thức trong tuyển dụng và mức lương hiện hành của người lao động” vừa được Navigos Group - tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự công bố. Báo cáo được công bố dựa trên việc phân tích kết quả của cuộc khảo sát với gần 6.000 ứng viên trong khoảng 35 ngành trên thị trường.

Chỉ 30% người lao động hài lòng với chế độ phúc lợi hiện tại

Theo Navigos, khảo sát cho thấy, lương thưởng và phúc lợi là lý do thu hút người lao động, đồng thời lương thưởng và phúc lợi tốt hơn cũng là lý do ra đi của người lao động. Trong đó, yếu tố đứng đầu khiến người lao động hài lòng với công việc hiện tại là lương, thưởng và chế độ đãi ngộ (chiếm 45% người tham gia khảo sát). Đứng ngay sau đó là địa điểm làm việc và công việc ổn định.

Khi được hỏi về sự hài lòng với chế độ phúc lợi hiện tại, chỉ có 30% người tham gia khảo sát cho biết họ hài lòng với các mức độ khác nhau (24% cảm thấy khá hài lòng và chỉ 6% cảm thấy hoàn toàn hài lòng).

Có đến 45% người lao động cho biết họ cảm thấy chế độ phúc lợi hiện tại chỉ ở mức độ "bình thường" so với sự hài lòng của họ. 25% cảm thấy không hài lòng ở mức độ khác nhau (20% cảm thấy không hài lòng và 5% cảm thấy hoàn toàn không hài lòng).

Tiêu dùng & Dư luận - Nhóm lao động nào bị giảm lương nhiều nhất bởi Covid-19?

Người lao động đăng ký tìm việc tại trung tâm dịch vụ việc làm.

Khảo sát chỉ ra rằng, cấp bậc càng cao thì mức độ hài lòng với chế độ phúc lợi càng tăng. Theo đó, mức độ hài lòng của các nhóm có tỷ lệ như sau: 21% ứng viên mới ra trường đi làm, 26% nhóm ứng viên có kinh nghiệm trên 2 năm; gần 30% nhóm Giám sát/Trưởng nhóm; 35% nhóm Phó phòng, Trưởng phòng; gần 50% đối với nhóm Giám đốc/Phó Giám đốc và ban điều hành C-level (quản lý cấp cao).

Quản lý cấp trung là nhóm đề xuất tăng lương nhiều nhất

Mặc dù khảo sát được thực hiện trong thời kỳ Covid-19, có đến hơn 50% người tham gia khảo sát vẫn thể hiện sự lạc quan nhất định về triển vọng nền kinh tế của Việt Nam.

Theo đó, có 17% cho biết nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh, 35% cho biết nền kinh tế sẽ tiếp tục được giữ vững, 31% cho rằng nền kinh tế sẽ suy giảm và 17% không đưa ra ý kiến. Kỳ vọng về lương, thưởng và chế độ đãi ngộ của người lao động trong yếu tố khiến họ hài lòng với công việc cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm mới cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và giữ chân người lao động.

Khảo sát về kỳ vọng mức lương trong năm 2021, 43% ứng viên chia sẻ họ chưa từng đề xuất tăng lương trong năm 2020, 42% cho biết họ vẫn được tăng lương trong năm nay với các mức tăng từ dưới 3% đến trên 20%.

Năm 2021, người lao động thể hiện sự kỳ vọng lớn với việc tăng lương của các doanh nghiệp. 10% người tham gia khảo sát cho biết mức lương của họ sẽ giảm từ dưới 3% đến hơn 20%; 18% cho rằng mức lương sẽ không thay đổi, 61% còn lại cho rằng mức lương của họ sẽ được điều chỉnh theo những tỷ lệ nhất định, từ 3% đến trên 20%.

Khi được khảo sát về việc đề xuất tăng lương, nhóm nhân viên cấp trung (cụ thể là giám sát/trưởng nhóm) thể hiện là nhóm đề xuất tăng lương nhiều nhất. Theo đó, có đến 65% cho biết họ đã từng đề xuất tăng lương và theo những tỷ lệ khác nhau.

Đối với các nhóm Phó Giám đốc/Giám đốc, Phó phòng/Trưởng phòng, ban điều hành C-level, tỷ lệ ứng viên đã từng đề xuất chiếm vào khoảng gần 50%. Nhóm ứng viên mới ra trường là nhóm có tỷ lệ ít đề xuất tăng lương nhất, khoảng 44% cho biết họ đã từng đề xuất tăng lương.

40% ứng viên cao cấp bị cắt giảm lương do Covid-19

Bản khảo sát của Navigos cho thấy, có 26% ứng viên tham gia cho biết họ bị cắt giảm lương ở nhiều mức khác nhau, từ 10 - 50% so với trước khi có dịch Covid-19. 74% ứng viên còn lại cho biết mức lương họ chia sẻ trong bảng khảo sát này không bị thay đổi.

Nhóm ứng viên cấp cao, cụ thể là ban điều hành, cấp tổng giám đốc/phó tổng giám đốc là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19. Theo đó, 40% người tham gia khảo sát thuộc nhóm ứng viên này cho biết mức lương của họ bị cắt giảm ở nhiều tỷ lệ khác nhau. Nhóm Giám đốc, Phó Giám đốc là nhóm xếp thứ hai chịu ảnh hưởng khi có đến 32% cho biết họ bị cắt giảm lương.

Từ khảo sát này, Navigos đề xuất doanh nghiệp cần cải tiến, xây dựng cơ chế lương thưởng cạnh tranh dựa trên thực tế của thị trường và tiềm lực của từng doanh nghiệp; cải tiến, xây dựng chế độ phúc lợi xã hội có giá trị thực tiễn đối với người lao động.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần hiểu rõ đội ngũ quản lý cấp trung và cấp cao để từ đó xây dựng các cơ chế lương, thưởng và các chế độ phúc lợi phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đồng thời, xây được các cơ chế tăng lương, thưởng một cách hợp lý cho từng nhóm đối tượng.