Theo các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC), năm 2012 nhu cầu tiêu thụ phục hồi tại các thị trường xuất khẩu sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng các sản phẩm thủy sản. Với kỳ vọng các quốc gia kiểm soát dịch tốt hơn, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ hồi phục mạnh mẽ khi nhà hàng, trường học chiếm tỷ trọng lớn trong kênh phân phối tiêu thụ. Đồng thời, các doanh nghiệp buôn bán thủy sản sẽ tăng cường nhập khẩu trở lại nhờ hoạt động hồi phục trong nửa cuối năm 2020 và 2021; tăng hàng tồn kho vốn đang ở mức thấp.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng tôm trong năm 2021, đạt khoảng 730.000 tấn, tăng 4%. Do vậy, nguồn tôm cung cấp ổn định sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục gia tăng thị phần tại các thị trường xuất khẩu.
Các chuyên gia FPTS cũng dự báo, năm 2021, giá bán tôm xuất khẩu khả năng cao sẽ không tăng mạnh, khi nhu cầu tiêu thụ vẫn rất khó dự báo và phụ thuộc rất lớn vào mức độ hồi phục của các kênh tiêu thụ chính. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng, khi sản lượng tôm toàn cầu được dự báo tăng trở lại và cùng với đó là sự phát triển của xu hướng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nhằm giảm bớt rủi ro của các cường quốc xuất khẩu tôm trên thế giới.
"Với giả định tình hình dịch bệnh trên thế giới dai dẳng, nhưng mức độ sẽ giảm dần nhờ sự phân phối rộng rãi hơn của vaccine trong năm 2021, các kênh tiêu thụ food services như nhà hàng, khách sạn, casino, khu du lịch,… sẽ dần phục hồi. Giá tôm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 sẽ tăng nhẹ khoảng 5%, trung bình đạt 9,6 USD/kg", báo cáo của FPTS nhận định.
Các chuyên gia BSC cũng cho rằng, năm 2021 sản phầm từ tôm khó có tốc độ tăng trưởng cao khi các quốc gia cạnh tranh quay trở lại hoạt động bình thường. Trong năm 2020, Ấn Độ và Ecuador (hai quốc gia cạnh tranh chính) đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khiến quy trình sản xuất bị gián đoạn. Trong khi đó, Việt Nam với khả năng kiểm soát dịch tốt và chuỗi sản xuất tôm không bị đứt gãy đã tạo đà tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, năm 2021 tác động này khả năng khó có thể xảy ra khi các quốc gia quay lại sản xuất và giá bán tôm của Ấn Độ và Ecuador thấp hơn từ 10 – 15% so với tôm Việt Nam.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu tôm sang thị trường EU (chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam) kỳ vọng được hỗ trợ tích cực bởi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Khi đó, tôm nguyên liệu đông lạnh ngay lập tức giảm về 0% khi Hiệp định có hiệu lực, trong khi mặt hàng tôm chế biến sẽ được giảm dần về 0% sau 7 năm Hiệp định có hiệu lực, cụ thể là kể từ ngày 1/1/2027.
Thuế suất hỗ trợ 0% cho mặt hàng tôm nguyên liệu sẽ thúc đẩy đáng kể lợi thế cạnh tranh của sản phẩm này tại thị trường EU. Trong khi đó, năm 2021, mức thuế cho mặt hàng tôm chế biến vẫn là 7% - bằng với mức thuế ưu đãi GSP đang được hưởng. Do vậy, mặt hàng tôm chế biến của Việt Nam vẫn chưa đạt được nhiều lợi thế từ EVFTA.