Những nốt trầm bổng trong 7 năm kinh doanh của An Phát Holdings

Tuyết Trang
Vừa ngắt chuỗi sụt giảm, sản xuất kinh doanh trên đà tăng trở lại, An Phát Holdings lại tiếp tục gặp khó khăn khi cổ phiếu rơi vào diện cảnh báo do lỗ lũy kế...

Hệ sinh thái An Phát Holdings

Nhắc đến Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (HoSE: APH), người ta nhớ đến câu chuyện của một doanh nghiệp “lớn nhanh như thổi" với vốn điều lệ tăng vọt từ 15 tỷ đồng lên hơn 1.200 tỷ đồng trong chưa đầy một năm kể từ khi thành lập.

Trở về tháng 3/2017, Công ty Cổ phần An Phát Holdings - tiền thân của Tập đoàn An Phát Holdings được thành lập với vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Sau đó, vốn điều lệ của công ty tăng vọt lên 1.241 tỷ đồng vào tháng 2/2018, tương đương tăng 82 lần sau chưa đầy một năm.

Năm 2020, Tập đoàn An Phát Holdings niêm yết cổ phiếu APH trên sàn HoSE, trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất ngày nhựa tại thời điểm đó.

Từ đó đến nay, vốn điều lệ của An Phát Holdings liên tục tăng mạnh, đạt đỉnh 2.512 tỷ đồng vào tháng 3/2022 rồi sau đó hạ xuống còn 2.438 tỷ đồng vào năm 2023.

Đáng chú ý, kể từ khi thành lập, An Phát Holdings và Nhựa An Phát Xanh (HoSE: AAA) luôn có sự liên kết mật thiết.

Theo đó, 3 thành viên góp vốn thành lập An Phát Holdings đều là người nội bộ của Nhựa An Phát Xanh vào thời điểm tháng 3/2017. Đồng thời, ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch HĐQT An Phát Holdings cũng là Chủ tịch HĐQT Nhựa An Phát Xanh (đến tháng 6/2022, sau đó bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Nhựa An Phát Xanh cho ông Nguyễn Lê Thành Long).

Ngoài ra, cuối năm 2018, An Phát Holdings hoàn tất nâng sở hữu tại Nhựa An Phát Xanh lên 43,99% vốn điều lệ, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty sau khi thực hiện giao dịch mua 10 triệu cổ phiếu. Sau đó, ĐHĐCĐ bất thường năm 2018 của Nhựa An Phát Xanh cũng đồng ý để An Phát Holdings nâng sở hữu lên 51% - trở thành cổ đông chi phối công ty.

Cũng trong khoảng thời gian trên, An Phát Holdings thực hiện loạt phi vụ lớn. Trong đó nổi bật là việc thâu tóm lại Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội từ tay Công ty TNHH MTV Cadivi Đồng Nai.

Sau khi thâu tóm Nhựa Hà Nội, An Phát Holdings đã bắt tay VinFast - thành viên của Tập đoàn Vingroup để thành lập Công ty TNHH Linh kiện Nhựa Ô tô VinFast – An Phát (VAPA) sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác.

Linh kiện Nhựa Ô tô VinFast – An Phát có vốn điều lệ 420 tỷ đồng do VinFast và An Phát Holdings mỗi bên góp 50%.

Vốn tăng nhanh nhưng “mong manh” trong sản xuất

Liên tục tăng vốn và thực hiện các phi vụ đình đám, song tình hình kinh doanh của An Phát Holdings lại không ổn định, trồi sụt do biến động từ thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, tại An Phát Holdings, giai đoạn 2017-2019, công ty ghi nhận bước chuyển mình lớn vào năm 2019, đẩy doanh thu tăng vọt lên 9.513 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế nhờ đó đạt 711 tỷ đồng; tăng lần lượt 3,8 lần và 5,3 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Chưa kịp vui mừng thì giá hạt nhựa giảm do ảnh hưởng bởi giá dầu, cùng việc thất thoát ở mảng bất động sản đã kéo kết quả kinh doanh của An Phát Holdings tăng trưởng âm trong cả năm 2020. Theo đó, doanh thu của công ty đạt 8.485 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 242 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.

Tưởng chừng năm 2020 là năm buồn nhất lịch sử kinh doanh nhưng những năm sau đó, bức tranh tài chính của An Phát Holdings liên tục chìm trong màu buồn. Thậm chí năm 2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm xuống còn 57 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2020; riêng công ty mẹ An Phát Holdings lỗ 19 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng mảng sản xuất, cải thiện thương mại và giảm các khoản chi phí, từ quý III/2023, An Phát Holdings đã lấy lại được đà tăng trưởng. Nhờ đó, quý I/2024, công ty ghi nhận doanh thu đạt 3.388 tỷ đồng.

Sau thuế, công ty báo lãi 133 tỷ đồng, tăng 2,8 lần cùng kỳ; đây là mức lợi nhuận quý cao nhất kể từ khi An Phát Holdings niêm yết đến nay. Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm, An Phát Holdings hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu và 42% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Đón nhận nhiều tín hiệu khả quan, các công ty thành viên của An Phát Holdings cũng ghi nhận nhiều mảng sáng trong bức tranh sản xuất kinh doanh.

Để có kết quả ngược dòng, “gỡ gạc" lại bàn thua trông thấy trong bức tranh kinh doanh của An Phát Holdings, phần lớn cũng nhờ sự bổ trợ, góp sức của các công ty thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn.

Cụ thể, Nhựa An Phát Xanh ghi nhận doanh thu hợp nhất 2.964 tỷ đồng. Kết thúc 3 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế Nhựa An Phát Xanh của đạt 144 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ quý II/2019.

Tại Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội (HoSE: NHH), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu quý I/2024 đạt 445 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Song lợi nhuận sau thuế của công ty lại tăng 25% lên 40 tỷ đồng.

Thuộc số hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng âm, một thành viên khác nằm trong nhóm An Phát Holdings là Công ty Cổ phần An Tiến Industries (HoSE: HII). Theo đó, An Tiến Industries đạt doanh thu 1.657 tỷ đồng trong quý I/2024, giảm 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty cùng giảm nhẹ từ 32 tỷ đồng tại quý I/2023 về 30 tỷ đồng tại quý đầu năm 2024.

Cổ phiếu vào diện cảnh báo

Dù tình hình kinh doanh tăng trưởng nhưng ngày 10/4 vừa qua, cổ phiếu APH chính thức bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán là số âm.

Đáng chú ý, đầu năm 2023 công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 73,4 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2023 con số này lại ở mức âm 171 tỷ đồng.

Giải trình từ An Phát Holdings, điều này do tháng 11/2023, hai công ty con là Nhựa An Phát Xanh (HOSE: AAA) và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát (APC) đã nhận chuyển nhượng 18,3 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1 (APC1), tương đương tỉ lệ 49%, với tổng giá phí 603 tỷ đồng.

Khoản chênh lệch 218,6 tỷ đồng giữa giá phí chuyển nhượng và phần sở hữu tăng thêm trong tài sản thuần của APC1 được ghi nhận làm giảm chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất. Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế chưa phối phối đến ngày 31/12/2023 bị âm.

Hồ sơ doanh nghiệp - Những nốt trầm bổng trong 7 năm kinh doanh của An Phát Holdings

Tại phiên giao dịch ngày 21/6, cổ phiếu APH giao dịch quanh vùng giá 9.380 đồng/cổ phiếu.

Để cải thiện tình trạng cổ phiếu, công ty sẽ tiếp tục tập trung vào các mảng sản xuất kinh doanh cốt lõi là mảng sản xuất và kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, kết hợp thực hiện các biện pháp tối ưu hóa chi phí cũng như bám sát, nghiên cứu thị trường để tìm kiếm cơ hội và cải thiện hiệu quả mảng thương mại hạt nhựa.

Theo dữ liệu từ Future Market Insight chỉ ra, quy mô thị trường nhựa Việt Nam ước tính đạt 10,92 triệu tấn vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 16,36 triệu tấn vào năm 2029.

Trong một vài năm tới, phân khúc nhựa xây dựng được dự báo sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành, chiếm khoảng 1/4 tổng ngành nhựa. Bên cạnh đó, ngành bao bì nhựa cũng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của các nhóm hàng tiêu dùng nhanh, nổi bật là ngành sản xuất chai nhựa, với doanh số bán chai nhựa tại Việt Nam dự kiến đạt 1,126.5 triệu USD vào năm 2033.