Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết, bộ đã làm việc với hệ thống Wallmart, Central Retail, Lotte, Aeonmall… để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng thị phần xuất khẩu. Hiện những ngành hàng có khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới là hàng hóa thiết yếu, thực phẩm và nông, thủy, hải sản. Đại diện Aeonmall cho biết, đơn vị này đang có 21.517 cửa hàng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, hiện một số sản phẩm đã được tham gia vào chuỗi cung ứng của Aeonmall như chuối, vải, cá ba sa, khoai lang… Đơn vị đang tìm kiếm cơ hội để gia tăng khả năng cung ứng từ nguồn hàng nông, thủy hải sản, thực phẩm từ Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều hệ thống phân phối cho rằng, hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp Việt là quy mô sản xuất nhỏ nên công tác quản lý còn nhiều bất cập. Đơn cử, theo tiêu chuẩn Aeonmall, sản phẩm phải được kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nông trại đến bàn ăn. Thế nhưng, rất ít doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng tiêu chuẩn này. Ngoài ra, những quy định về nhãn mác hàng hóa đã có nhưng doanh nghiệp chậm thay đổi. Một vấn đề khác là do nội lực yếu nên doanh nghiệp chưa dành nhiều chi phí cho hoạt động nghiên cứu, chế biến sản phẩm mới. Điều này cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt.
Được biết, tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng nước ta đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.