Tính đến hết 31/12/2020, tổng tài sản OCB đạt 152.848 tỷ, tăng 29% so với năm 2019. Huy động vốn đạt 108.614 tỷ, tăng 27%; tổng dư nợ cho vay đạt 90.128 tỷ, tăng 24% so với 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.414 tỷ, tăng 37% so với năm 2019. Với các kết quả trên, ngân hàng đã hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh.
Chia sẻ về chuyện ứng phó với vấn đề khó khăn trong lĩnh vực ngân hàng, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, với nhiều chính sách kịp thời trong chỉ đạo, điều hành, thực hiên mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội" của Chính Phủ, dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhanh và tốt ở Việt Nam, nhiều ngành kinh doanh nhanh chóng phục hồi. Doanh nghiệp, cá nhân có cán cân vốn hợp lý vẫn vượt qua khó khăn.
Nhưng trong điều kiện khó khăn chung của thị trường và yêu cầu nỗ lực giảm lãi suất cho vay từ cơ quan quản lý nhà nước, OCB đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp ưu tiên hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Tính đến 31/12/2020, dư nợ tín dụng được tái cơ cấu như miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ… khoảng 1.000 tỉ đồng và hiện nhiều khách hàng được cơ cấu lại đang hồi phục tốt, Ông Tùng cho biết thêm.
Trong câu chuyện lợi nhuận ngân hàng giữa dịch Covid-19, một số ý kiến cho rằng không ít ngân hàng vẫn báo lãi cao đột biến. Vậy sự tăng trưởng này có "đột biến" không?
CEO của OCB chia sẻ, sẽ là không đầy đủ nếu chỉ đánh giá hiệu quả lợi nhuận của một tổ chức qua con số tuyệt đối. Trong kỹ thuật phân tích tài chính chuyên sâu, nhóm chỉ số ROAA (lợi nhuận trên tài sản trung bình) và ROAE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) là hai chỉ số tham chiếu để đánh giá và so sánh tương đồng. Cụ thể, ngân hàng là một ngành kinh doanh gắn chặt với biến động của nền kinh tế. Về cơ bản, khi việc kinh doanh tốt, ngân hàng phải có dự trữ cho những giai đoạn suy thoái.
"Chẳng hạn, nếu thị trường rơi vào những giai đoạn khủng hoảng tương tự năm 2008, thì ngân hàng vẫn phải bảo đảm các chỉ số an toàn vốn. Vốn này không thể lúc nào cũng huy động từ các cổ đông mà phải lấy từ lợi nhuận để dành, tích luỹ trong những năm trước. Nói khách quan, trong giai đoạn kinh doanh tích cực, các ngân hàng cần có dự phòng cho những giai đoạn nhiều rủi ro hơn" – ông Nguyễn Đình Tùng nhìn nhận.
Ở một diễn biến khác, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) mới đây đã thông báo cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông sẽ chính thức giao dịch từ ngày 28/1. Theo đó, gần 1,1 tỷ đơn vị cổ phiếu của OCB sẽ chính thức giao dịch trên sàn HoSE với giá tham chiếu là 22.900 đồng. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu.