Ông nội muốn “sang tay” 28 triệu cổ phiếu VIB cho cháu trai?

Admin
Ông Đỗ Xuân Thụ, bố của ông Đỗ Xuân Hoàng - Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), đăng ký bán ra 28 triệu cổ phiếu VIB. Trong khi con trai ông Hoàng muốn mua khối lượng cổ phiếu tương tự với cùng thời gian và phương thức giao dịch.

Thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), ông Đỗ Xuân Thụ, bố của Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) Đỗ Xuân Hoàng, đăng ký bán ra 28 triệu cổ phiếu VIB sở hữu nhằm cơ cấu lại sở hữu đầu tư cá nhân.

ong-noi-muon-sang-tay-28-trieu-co-phieu-vib-cho-chau-trai-1675037145.jpg
28 triệu cổ phiếu VIB dự kiến được "sang tay" giữa các cổ đông nội bộ

Ông Thụ hiện đang nắm giữ gần 54,4 triệu cổ phiếu VIB, chiếm tỷ lệ 2,581% vốn cổ phần tại VIB. Dự kiến sau giao dịch, số cổ phần sở hữu của ông giảm về còn gần 26,4 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 1,252%.

Giao dịch được thực hiện theo phươn thức khớp lệnh và thoả thuận trong thời gian từ 3/2/2023 đến ngày 2/3/2023.

Trong cùng khoảng thời gian trên, con trai ông Hoàng là ông Đỗ Xuân Việt cũng đăng ký mua vào 28 triệu cổ phiếu VIB. Ông Việt hiện không sở hữu cổ phiếu VIB nào. Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Hoàng sở hữu hơn 104,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 4,964% vốn tại VIB.

Nhiều khả năng đây là giao dịch chuyển nhượng trong gia đình của cổ đông nội bộ Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) Đỗ Xuân Hoàng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày Xuân Quý Mão (27/1/2023), giá cổ phiếu VIB dừng lại ở mức 23.350 đồng/cổ phiếu. Như vậy, với mức giá này giá trị của lượng cổ phiếu dự kiến được "sang tay" là hơn 653 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, có thể nhận thấy, năm 2022 mặc dù tăng trưởng lợi nhuận quý IV của ngân hàng VIB ở mức không cao (3,7%) nhưng nhờ đà tăng trưởng mạnh từ ba quý đầu năm lợi nhuận trước thuế cả năm của VIB đã vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng, tăng trên 32% đạt 10.581 tỷ đồng.

Các mảng kinh doanh chính tiếp tục là động lực tăng trưởng cho lợi nhuận ngân hàng. Thu nhập lãi thuần cả năm của VIB tăng gần 27%, lãi thuần từ dịch vụ tăng hơn 16%, lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng hơn 60%.

Trong khi đó kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư ghi nhân lỗ lần lượt 275 tỷ đồng và 175 tỷ đồng trong cả năm.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VIB tăng 22,8%, cộng với cắt giảm hơn 22,3% chi phí dự phòng rủi ro đã đưa lợi nhuận trước thuế tăng trưởng hơn 32%.

Với kết quả lợi nhuận này, VIB cho biết ngân hàng có thể chia cổ tức lên đến hơn 35%, bao gồm cả cổ tức tiền mặt và cổ tức cổ phiếu. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, VIB sẽ trình kế hoạch chia cổ tức tiếp theo để lấy ý kiến phê duyệt của cổ đông và triển khai thực hiện sớm trong năm.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của VIB tăng 10,8%, trong đó cho vay khách hàng ghi nhận tăng trưởng 15,1% đạt 231.944 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 15,3% tương ứng với 200.124 tỷ đồng.

Số dư nợ xấu cuối năm của VIB là 5.687 tỷ đồng (tổng dư nợ các nhóm 3 - nhóm 5), đưa tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,45%.