Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược). Mục tiêu chung của Chiến lược là hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng hiệu quả và bền vững.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030, trong khu vực nông, lâm, thủy sản, tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 2,5 - 3%/năm. Cùng đó, tốc độ tăng năng suất lao động đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm, mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu đạt bình quân từ 5 -6%/năm.
Chính phủ cũng đã thông qua Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, với mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái. Đề án gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh còn có Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; Đề án Phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Để phát triển kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ giao hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, phát triển nông thôn; nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp.
“Để phát triển nông nghiệp xanh, ngành nông nghiệp phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường”, ông Hoan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ. Đồng thời, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.