Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chậm chuyển đổi xanh sẽ đối diện nhiều thách thức

Admin
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, những thách thức từ biến đổi khí hậu đã gõ cửa từng nhà, nếu chậm chuyển đổi xanh sẽ đối phải đối diện với nhiều thách thức, những hàng rào không thể vượt qua…

Thời điểm lịch sử để chuyển đổi

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể của diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2023 chiều 23/8 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Năng lực cạnh tranh cho biết, nhân loại đang phải đối mặt với khủng hoảng “kép” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Những cảnh báo của các nhà khoa học đã hiện hữu, những thách thức đã gõ cửa từng ngôi nhà, sự bình yên của chúng ta.

“Đây là thời điểm lịch sử phải chuyển đổi mô hình kinh tế từ khai thác tiêu thụ tài nguyên sang kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải. Sẽ là thách thức, là hàng rào không thể vượt qua được nếu chúng ta chuyển đổi chậm”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Nếu quá trình chuyển đổi chậm thì chúng ta sẽ đối mặt với hàng rào kỹ thuật xanh giảm phát thải, đối mặt với những thách thức lớn trên thị trường. Đây là những khó khăn lớn, nhất là khi 97% doanh nghiệp (DN) Việt Nam là DN nhỏ và vừa.

Theo Phó Thủ tướng, chuyển đổi xanh mang lại cho cộng đồng DN cả thời cơ và thách thức đan xen. Sân chơi rộng lớn này mang đến cho các DN cơ hội dẫn đầu xu thế như phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, lưu trữ năng lượng và các ngành nghề mới đi kèm theo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Năng lực cạnh tranh.

Quá trình chuyển đổi xanh là một cuộc cách mạng, muốn thành công cần phải tư duy và hành động đột phá, nhất là mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới xanh hơn, hiệu quả và thông minh hơn.

Về phía Chính phủ, vừa qua Chính phủ đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu của DN. Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức cần phải có những hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ hơn nữa cho DN.

"Chính phủ sẽ hết sức lắng nghe ý kiến của DN. Trên chặng đường chuyển đổi này, các DN gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đang tập trung đưa ra chính sách và mô hình thí điểm trong chuyển đổi năng lượng xanh.

Tôi trông đợi những đề xuất, sáng kiến của DN đối với Chính phủ trong việc khẩn trương tập trung vào những vấn đề mang tính đột phá, hoàn thiện thể chế để chúng ta chuyển hoá các thách thức, tận dụng cơ hội, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trên con đường phát triển xanh”, Phó Thủ tướng nói.

Tăng tốc phát triển xanh

Nhấn mạnh việc nhân loại đang trong cuộc đua xanh giảm phát thải, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, cuộc đua này không phải để người này vượt người kia, quốc gia này vượt quốc gia nọ, dân tộc này thắng dân tộc khác… mà đó phải là cuộc đua với thời gian để mong hãm lại hoặc đảo ngược được sự tăng nhiệt của hành tinh, sự biến đổi gây tác động nguy hại của khí hậu…

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI.

Trong tiến trình phát triển xanh này, DN giữ vai trò hết sức quan trọng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có thể quyết định mức phát thải khí nhà kính. DN vừa là chủ thể vừa là tác nhân tác động tới biến đổi khí hậu. Hơn lúc nào hết, các DN cần phải tăng tốc hành động hướng tới mô hình sản xuất kinh doanh có trách nhiệm và bền vững.

Chỉ ra một số định hướng mà cộng đồng DN cần ưu tiên thực hiện để thúc đẩy phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu DN nghiên cứu, áp dụng và thực hành những quy định, tiêu chí về phát triển bền vững. Trong đó có Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) chủ trì xây dựng.

DN phải xây dựng chiến lược kinh doanh xanh, tận dụng cơ hội đi đầu trong các ngành sản xuất xanh để tạo lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, DN cũng cần quan tâm, làm tốt công tác an sinh, bảo đảm phúc lợi cho người lao động. Điều này có ý nghĩa đối với phát triển bền vững và kinh doanh bao trùm.

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, đứng trước các yêu cầu về phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp cần định nghĩa lại thành công của doanh nghiệp không chỉ nằm ở các con số tài chính mà giờ đây còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ.

Các mô hình kinh doanh vì tự nhiên, kinh doanh tạo tác động tích cực đến môi trường là một trong những giải pháp tối ưu nhất cho mục tiêu phát triển bền vững DN, qua đó đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia.

Trong khi đó, bà Mai Thanh Dung - Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) gợi ý cộng đồng DN nên mạnh dạn đổi mới, sáng tạo “cùng tư duy lại” về chính hệ thống sản xuất, phân phối, tiêu dùng và từng sản phẩm của mình để ngay từ giai đoạn thiết kế sản phẩm, thiết kế chu trình sản xuất, phân phối và thu gom đã hướng đến xem chất thải là tài nguyên.

Cũng tại phiên toàn thể của diễn đàn, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT có các bài tham luận về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, khuyến nghị cho DN để hướng đến kinh doanh vì tự nhiên và tăng trưởng xanh từ nền tảng thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Đại diện một số tổ chức quốc tế cũng đã phân tích, cập nhật thông lệ quốc tế tốt và các khuyến nghị hữu ích để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững hướng tới nền kinh tế carbon thấp và phát triển mô hình kinh tế biển xanh để tối ưu hóa tăng trưởng kinh tế đi kèm với bảo vệ tài nguyên biển…

Các DN tiên phong thực hiện kinh doanh bền vững cũng đã đưa ra các giải pháp, kiến nghị chính sách để hỗ trợ cộng đồng DN thực hiện hiệu quả hơn các mô hình sản xuất kinh doanh phát thải thấp; tăng cường chuỗi cung ứng bền vững; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch…