Quản lý thị trường vạch trần nhiều chiêu trò "móc túi" của các cây xăng, tiết lộ số tiền xử phạt

Kỳ Văn
Chia sẻ tại Đối thoại chuyên đề: "Vòng xoáy lạm phát: Kiểm soát chi phí đẩy", đại diện Tổng cục Quản lý thị trường đã tiết lộ nhiều chiêu trò vi phạm của các cây xăng trong thời gian qua như bơm chồng số, bán xăng dởm, găm hàng chờ tăng giá,....

Xăng dầu - một mặt hàng chiến lược quan trọng, có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, cũng có tốc độ tăng "chóng mặt" trong thời gian qua, kéo theo giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác dồn dập tăng giá.

Hệ quả, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Một khảo sát gần đây cho thấy, giá dầu tăng mạnh lên 140 USD/thùng, lập kỷ lục trong 14 năm qua, đẩy giá xăng dầu trong nước chạm đỉnh gần 30.000 đồng/lít.

Tính đến tháng 3/2022, nhiều mặt hàng hàng thiết yếu đều tăng so với cùng kỳ, chẳng hạn như đường cát trắng tăng 67% so với cùng kỳ, giá gas tăng 35%; nước mắm 500 ml tăng 28%; mì gói tăng 25%; dầu ăn tăng 23%; bia tăng 13%; gạo tăng 6,7%,...

Vạch trần nhiều chiêu trò "móc túi" người dân của các cây xăng - Ảnh 1.

Giá dầu tăng mạnh lên 140 USD/thùng, lập kỷ lục trong 14 năm qua, đẩy giá xăng dầu trong nước chạm đỉnh gần 30.000 đồng/lít. (Ảnh: T.P)

Giá xăng dầu bình quân tăng khoảng 40%, kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều khó khăn

Chia sẻ tại Đối thoại chuyên đề: "Vòng xoáy lạm phát: Kiểm soát chi phí đẩy" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức sáng nay (4/4), ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thừa nhận, quản lý giá gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Điều hành giá ngay từ những tháng đầu năm đòi hỏi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) với vai trò giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá phải theo sát tình hình diễn biến của giá cả trong từng tháng và từng quý, dự tính các kịch bản để báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo để đưa ra những giải pháp kịp thời.

Ông Đặng Công Khôi cho hay, trong các kịch bản điều hành bao giờ cũng có 3 loại, kịch bản tốt nhất, kịch bản vừa và kịch bản xấu nhất.

Trong kịch bản xấu nhất, Cục Quản lý giá dự tính mức giá xăng dầu bình quân sẽ tăng rất cao, khoảng 40%, lúc đó, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, dù chịu những biến động bất thường của chi phí sản xuất nhưng CPI quý 1 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước cho thấy vấn đề kiểm soát mặt bằng giá khá thành công.

Lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định, với diễn biến CPI của quý 1 vừa qua, các Bộ, cơ quan đều thống nhất nhận định việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% hiện vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên, công tác điều hành giá linh hoạt nhưng phải rất thận trọng và tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Vạch trần nhiều chiêu trò "móc túi" người dân của các cây xăng - Ảnh 2.

Nếu giá xăng dầu tăng 30% thì lạm phát tăng thêm 1,05%. Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI).

Vạch trần nhiều "chiêu trò" của các cây xăng

Cũng liên quan đến giá xăng dầu, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Công Thương giao cho lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra giám sát thị trường, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh, bất ổn chính trị trên thế giới để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý, thu lời bất chính.

Theo kết quả báo cáo sơ bộ của các Cục quản lý thị trường địa phương, đến cuối tháng 3, tình hình kinh doanh xăng dầu cơ bản ổn định trở lại, các hiện tượng thiếu xăng dầu, đóng cửa không bán hàng trong giờ quy định giảm và dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, trong công tác điều hành, quản lý giá cả từ nay đến cuối năm vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rất khó lường.

Vạch trần nhiều chiêu trò "móc túi" người dân của các cây xăng - Ảnh 3.

Toàn cảnh Đối thoại: “Vòng xoáy lạm phát – Kiểm soát chi phí đẩy”. Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Cũng theo ông Lê, thời gian qua 16.800 cây xăng đã được Cục tiến hành giám sát – một con số rất lớn.

Tiết lộ thêm về những "chiêu trò" trong kinh doanh xăng dầu, ông Lê cho biết: Ngoài các vi phạm về điều kiện kinh doanh, chẳng hạn như phòng chống cháy nổ, kiểm định cây xăng thì các hành vi vi phạm trong thời gian qua chủ yếu đó là các cửa hàng lợi dụng giờ cao điểm, quản lý lỏng lẻo để bơm chồng số. Các cây xăng không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, treo biển không bán hàng mặc dù vẫn có hàng để bán nhưng cố tình găm lại đợi giá lên mới bán ra.

Hay một số trường hợp treo bảng thông báo cột bơm hỏng, tức là tìm mọi cách để không phải bán hàng trong những thời điểm Chính phủ có điều chỉnh về giá.

Ngoài ra, một số đối tượng tìm cách sử dụng các sản phẩm xăng dầu kém chất lượng bán ra trong giai đoạn hiện nay để thu lời bất chính.

Từ đầu năm đến nay, ông Lê cho biết, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý trên 50 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt hành chính 2,5 tỷ đồng.

Khi được hỏi, mức xử phạt 2,5 tỷ đồng từ đầu năm đến nay có phải là con số còn quá "khiêm tốn" hay không? Ông Lê lý giải, trong xử phạt hành chính, phụ thuộc vào quy định xử phạt của Chính phủ.

"Chính phủ quy định chúng tôi là lực lượng thực thi căn cứ vào quy định của pháp luật để xử phạt, việc xử phạt nhiều hay ít đã có quy định", vị này cho hay

Nêu kiến nghị của mình, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, một trong những vấn đề cần được ưu tiên để kiểm soát giá xăng dầu nói riêng và lạm phát nói chung, đó là phải tăng cường công tác kiểm tra thanh tra, nhất là trong lĩnh vực giá.

"Chúng ta phải làm sao tất cả nơi sản xuất kinh doanh đều niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Cũng như là loại trừ được tổ chức cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh hay tình hình đứt gãy của các chuỗi cung ứng để đầu cơ, găm hàng, tích trữ và định giá bán bất hợp lý. Từ đó dẫn tới việc khủng hoảng tiêu dùng cho người dân. Trong dịch bệnh vừa qua, trang thiết bị y tế bị đẩy giá lên một cách quá mức phi lý do tâm lý của người dân là một ví dụ điển hình", ông Lê nhấn mạnh.