Quay lén khách nữ, tài xế Be có vi phạm pháp luật?

Kỳ Văn
Theo luật sư, hành vi quay lén của tài xế Be đã xâm phạm quyền nhân thân của khách hàng. Với chế tài hiện hành, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi này là 20 triệu đồng.

Ngày 25/2, Thanh Vân (19 tuổi, ở Hà Nội) đặt xe ôm công nghệ của hãng Be từ quận Đống Đa về quận Cầu Giấy. Quá trình di chuyển, tài xế là T. hỏi han cô về quê quán, cuộc sống cùng nhiều thông tin mang tính cá nhân khác.

Một ngày sau, cô gái phát hiện video ghi hình mình được đăng tải lên kênh YouTube cá nhân của tài xế. Hình ảnh cô trong chuyến đi cùng nhiều thông tin cá nhân đều xuất hiện. Ngoài Vân, video ghi lại hình ảnh nhiều khách hàng nữ khác cũng xuất hiện theo cách tương tự.

Với hành vi quay lén rồi đăng tải hình ảnh khách hàng lên mạng xã hội, tài xế T. đã vi phạm pháp luật ra sao?

tai xe Be quay len anh 1

Thanh Vân xuất hiện trong video quay lén của tài xế Be. Ảnh cắt từ clip của tài xế.

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho biết Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự mà còn ghi nhận, bảo đảm quyền tự do về nhân thân, trong đó có quyền tự do về hình ảnh.

Điều 21 Hiến pháp 2013 và Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định công dân có quyền tự do về hình ảnh. Việc sử dụng hình ảnh của người khác về bất kỳ mục đích gì đều phải được người đó đồng ý. Mọi hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác, nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người đó, thì bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Trích dẫn Khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp cho biết hành vi quay lén rồi đăng tải hình ảnh khách hàng lên mạng xã hội thuộc nhóm hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật. Khung hình phạt áp dụng đối với người vi phạm là phạt tiền 10-20 triệu đồng.

Nghiêm trọng hơn, nếu có căn cứ xác định việc sử dụng trái phép hình ảnh nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người khác thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.

Đồng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) nhìn nhận hành vi này đã vi phạm quyền về hình ảnh của cá nhân. Việc tài xế đăng tải hình ảnh, đi kèm nhiều thông tin như năm sinh, quê quán, địa chỉ của khách hàng là hành động tiết lộ, xâm phạm quyền thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân theo Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo luật sư, trường hợp này, cô gái bị quay lén có thể lựa chọn hòa giải, yêu cầu tài xế xin lỗi công khai, xóa bỏ hình ảnh bị khai thác trái phép trên mạng xã hội. Nếu không lựa chọn hòa giải, cô có thể làm đơn gửi Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, đề nghị thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế này. Chế tài xử phạt được quy định tại Nghị định 15 của Chính phủ.

Ngoài ra, nếu có căn cứ xác định hành vi này đã gây ra thiệt hại, tổn thất về vật chất hay tinh thần cho mình, cô gái có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, theo luật sư, cách hiệu quả nhất để xử lý hành vi vi phạm, chấm dứt hành động xâm phạm đời sống riêng tư là đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính, buộc người vi phạm gỡ bỏ các clip, thông tin.

"Hiện nay, các kênh YouTube cá nhân được xây dựng, phát triển rất nhanh. Nhiều người lấy việc quay lén, xâm phạm bí mật đời tư người khác làm công cụ tăng theo dõi, tương tác. Các YouTuber nhận thấy việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế nên dù biết sai vẫn bất chấp để thực hiện hành vi vi phạm. Từ những sự việc như này, cơ quan chức năng cần làm triệt để, quyết liệt để giải quyết dứt điểm vấn đề, đảm bảo trật tự pháp lý trên môi trường không gian mạng", luật sư chia sẻ.