Quy định nhà sản xuất nộp tiền để hỗ trợ nhà tái chế đang có lãi là bất hợp lý

Admin
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), định mức chi phí tái chế Fs có vai trò quan trọng để xác định mức đóng góp của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xác định Fs cần theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, điều kiện thực tiễn, tránh tình trạng nhà sản xuất phải nộp tiền để hỗ trợ nhà tài chế đang có lãi...

Hiện Bộ TN&MT đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế (Fs) hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Góp ý cho dự thảo này, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, châu Âu đã thực hiện EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) từ nhiều năm qua. Các doanh nghiệp châu Âu rất ủng hộ việc tái chế bao bì, sản phẩm thải bỏ để bảo vệ môi trường.

EuroCham nhấn mạnh, định mức chi phí tái chế Fs là quan trọng để xác định mức đóng góp của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xác định Fs cần theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, điều kiện thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế.

Tổng hợp ý kiến từ 5 tiểu ban ngành nghề thuộc EuroCham, ngày 16/5/2023, EuroCham đã gửi đến Bộ TN&MT kiến nghị chi tiết về định mức đóng góp của doanh nghiệp đối với phí tái chế.

Định mức chi phí tái chế Fs là quan trọng để xác định mức đóng góp của doanh nghiệp.

Theo EuroCham, Fs cần theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn là trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được. Tại Đan Mạch, năm 2023, hệ thống đã đạt mức chi phí bằng 0, nghĩa là nhà sản xuất không phải trả bất cứ phí nào cho hệ thống tái chế Đan Mạch để xử lý bao bì đồ uống của họ.

"Trong khi đó, theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế, Việt Nam chưa áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị thu hồi được. Dự thảo chưa xem xét 2 nghiên cứu có đề xuất Fs thấp của Đại học Kinh tế Quốc dân và PRO (Liên minh tái chế bao bì). Việc sử dụng 2 nghiên cứu có đề xuất Fs cao của một số đơn vị để tính trung bình là chưa hợp lý", EuroCham góp ý.

Dự thảo cũng không tính đến một số đề xuất cho một số bao bì đơn giản, dễ tái chế cũng như chưa có các hệ số để khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế, bao bì đơn giản, dễ tái chế.

Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, các bao bì, sản phẩm làm từ vật liệu có giá trị cao, như nhôm, kim loại, giấy carton, bao bì nhựa cứng… khi thải bỏ đều ngay lập tức được thu gom. Trong khi đó, thực tế chúng hầu như không tồn tại ngoài môi trường, vì tái chế rất có lãi. Do vậy hệ số điều chỉnh cho Fs nên bằng 0, như kinh nghiệm của Na Uy và Đan Mạch. Việc yêu cầu nhân dân và nhà sản xuất nộp tiền để hỗ trợ nhà tái chế đang có lãi là bất hợp lý.

Những vật liệu giá trị thu hồi thấp, như túi ni-lon, bao bì giấy hỗn hợp ít được tái chế vì lỗ. Thực tế đây là nguy cơ chủ yếu với môi trường. Vì vậy, cần nhà sản xuất đóng góp hỗ trợ nhà tái chế. Fs cần hợp lý, không cao hơn giá trung bình của thế giới.

Cụ thể, đối với các bao bì, sản phẩm thải bỏ có giá trị vật liệu thu hồi cao hơn chi phí tái chế như nhôm, kim loại, giấy carton, nhựa cứng, phương tiện giao thông, EuroCham đề xuất hệ số 0. Các vật liệu đơn giản, dễ tái chế như chai lọ thủy tinh áp dụng hệ số 0,2, Fs điều chỉnh = 252 như đề xuất của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Với các vật liệu khác, theo hiệp hội này, Fs không nên cao hơn mức trung bình thế giới và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

EuroCham cũng đề nghị không tính 3% phí quản lý hành chính vào công thức tính Fs để phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường.

Về triển khai EPR, EuroCham kiến nghị trong 3 năm đầu tiên (2024-2026), tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt, chỉ truy thu khoản nộp thiếu nếu có, vì EPR là vấn đề rất mới đối với Việt nam và cả châu Á.

Kiến nghị thay đổi cách nộp đóng góp tái chế từ tạm ứng trước theo số lượng dự kiến vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm 2024 (tức là nộp vào tháng 4/2025), để doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường mà giảm được khó khăn cho doanh nghiệp.

Kiến nghị cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế cho cùng loại bao bì/sản phẩm, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức.