Liên quan tới vụ việc một người của "Tịnh thất Bồng Lai" sắp ra tòa, ông Nhị Nguyên, nạn nhân trong vụ ẩu đả cho biết, vết sẹo trên mặt trong cuộc xô xát với gia đình Diễm My sẽ đi theo ông suốt cuộc đời dài. Vì vậy, ông đã đề nghị kháng án trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới.
Hiện trường vụ ẩu đả
Cụ thể, vào khoảng 15 giờ ngày 24/10/2019, vợ chồng ông Võ Văn Thắng cùng nhóm người thân đã thuê xe chạy đến Tịnh thất Bồng Lai để tìm con gái. Trước đó, Diễm My (SN 1999) con gái của ông, đã bày tỏ nguyện vọng muốn "tu tập" tại cơ sở này.
Tuy nhiên, vì nơi đây không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An quản lý nên vợ chồng ông Thắng không đồng ý cho con gái ở lại đây.
Trong quá trình lời qua tiếng lại, xô xát, ông Lê Thanh Nhị Nguyên (SN 1998) đã bị một người phụ nữ tên Châu Vinh Hóa ném miếng gạch men vào má phải. Theo giám định, tỉ lệ thương tích là 13%.
Theo bà Đoàn Thị Tuyết Mai, mẹ ruột Diễm My cho biết bà Hóa không phải là người trong họ hàng. Sáng 24/10, khi nghe gia đình tìm con tại Tịnh thất Bồng Lai, bà Hóa đã hiếu kì chạy xe theo để xem.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 29/9/2020, Tòa án huyện Đứс Hòa, tỉnh Long An đã xét xử bị cáo Châu Vinh Hóa (người tấn công ông Nhị Nguyên) phạm tội cố ý gây thương tích, xử phạt 2 năm tù và bồi thường số tiền 8.930.000 đồng.
Tuy nhiên, về phía Tịnh thất Bồng Lai, ông Lê Thanh Nhị Nguyên cho biết đã kháng án và tham dự phiên tòa phúc thẩm vào ngày 10/12/2021 tới đây.
Nhị Nguyên bị ném gạch vào mặt phải khâu 8 mũi
Trước đó, tại tòa sơ thẩm, Nhị Nguyên từng yêu cầu được bồi thường 3 tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Ông Nhị Nguyên bày tỏ: "Đau đớn về thể xác 300 triệu đồng, tiền đầu tư cho dự án âm nhạc là 40 triệu đồng, tiền tập luyện thể hình trong vòng 10 năm là 500 triệu đồng, chi phí mổ thẩm mỹ là 100 triệu đồng, tiền không thể biểu diễn nghệ thuật được do mang sẹo cả đời là 1 tỷ đồng,... cùng nhiều khoản khác. Tổng cộng là hơn 3 tỷ đồng".
Về lí do kháng cáo lần này, ông Nhị Nguyên cho biết, thứ nhất, việc ông Thắng xâm phạm vào tư gia bất hợp pháp chưa được kết luận tội ở phiên tòa sơ thẩm. Thứ hai, về việc bồi thường tiền chưa thỏa đáng. "Sau khi gây ra cho tôi vết thương phải may 8 mũi, tỉ lệ thương tật là 13%, bà Hóa chỉ đền khoảng hơn 8 triệu đồng tiền thuốc. Số tiền này là không đủ với những tổn thương về sức khỏe, tinh thần của tôi.", ông Nhị Nguyên nói.
Nói về con số 3 tỉ đồng đòi bồi thường, ông Nhị Nguyên trần tình: "Tôi là người tập thể hình đã 10 năm nay. Tính đến thời điểm bị thương, tôi không phải là một vận động viên nữa mà là huấn luyện viên rồi. Vì tôi là người ăn chay nên những năm tháng tập luyện rất khó khăn, gian khổ. Tôi dùng thực phẩm là đậu xanh, đậu đỏ, đậu hủ... Khi tôi bị thương, cả năm trời đâu có tập luyện được gì. Nếu có tập, tôi cũng không thể "gồng" mạnh được vì điều này sẽ ảnh hưởng đến vết thương. Sau khi tập luyện 10 năm trời, tôi đi thi là tôi có giải, đang dự tính thi nữa thì lại bị thương. Sự nghiệp của tôi cũng từ đó mà tiêu tan. Nếu phải tập lại, tôi phải mất thêm 2,3 năm nữa. Khi đó tôi mới có thể "tập lại" người ta. Câu chuyện này không phải ai cũng biết."
Về phía bị đơn, ông Trần Quốc Dũ, luật sư của bà Châu Vĩnh Hóa cho biết sẽ tham dự phiên tòa phúc thẩm sắp tới đây. Về vấn đề khoản tiền bồi thường của ông Nhị Nguyên, ông Dũ cho biết tòa đã bác yêu cầu của bị hại vì những vấn đề này không có hóa đơn chứng từ thể hiện.
"Theo quan điểm của tôi, tôi nghĩ bà Châu Vinh Hóa hưởng án treo là hợp lí. Bởi lẽ, chị ấy chỉ là người tò mò đi theo, không có chủ đích tấn công Nhị Nguyên, không có gây ra thiệt hại gì lớn. Trước đó, do hai bên ném qua ném lại trong cuộc ẩu đả, bà ấy tức giận nên đã phản kháng.
Hiện tại, bà ấy cũng rất ân hận vì hành động của mình. Bà cũng bày tỏ mong muốn được hưởng án treo để lo cho con cái bởi bà Hóa là mẹ đơn thân, hiện đang phải đi làm để nuôi 2 con".
Theo luật sư Dũ, dưới góc độ pháp lý, bà Hóa có những tình tiết có thể xem xét giảm nhẹ như đã ăn năn, hối cải. Trong quá trình cơ quan chức năng điều tra, bà cũng đã tích cực cung cấp thông tin, chứng cứ, khắc phục hậu quả tòa yêu cầu; gia đình có công với cách mạng. Hành vi của bà là không cố ý, hay có chủ đích từ trước.
Trong buổi họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ mới đây, ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, "Tịnh thất Bồng Lai" sau này đổi tên "Thiền Am bên bờ vũ trụ", thực chất đây là cơ sở do bà Cao Thị Cúc (trú tại ấp Lộc Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) thành lập. Bản thân bà Cúc lúc đầu xây dựng nhà riêng để ở, sau đó vận chuyển các tượng Phật và đồ thờ cúng vào để biến nơi này thành một cơ sở thờ tự bất hợp pháp.
Theo báo cáo của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Long An gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ sở trên có một số sai phạm, như: Các công trình xây dựng đều do cá nhân đứng tên và xây dựng trên đất ở nông thôn. Chủ cơ sở đã sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. UBND xã Hòa Khánh Tây cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc bà Cúc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
Theo Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, tại hộ bà Cúc có 8 trẻ em, trong đó có 6 trẻ được bà Cúc xác định sống với mẹ ruột và 2 trẻ được nhận nuôi từ 2019 đến nay. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Trọng thông tin, việc lập hồ sơ nhận con nuôi còn nhiều tình tiết chưa đảm bảo theo quy định pháp luật, do đó phía xã Hòa Khánh Tây chưa thống nhất để bà Cúc nhận con nuôi. Hiện, Uỷ Ban Nhân Dân huyện Đức Hòa tiếp tục làm việc với những phụ nữ có con ở cơ sở trên để làm rõ thêm những nội dung liên quan.
"Vụ việc này có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Mặc dù bà Cúc khẳng định chỉ thờ tượng Phật tại gia, không phải sinh hoạt tôn giáo", ông Nguyễn Tiến Trọng nói và khẳng định, sẽ tiếp tục đề nghị Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Long An cùng các cơ quan chức năng tỉnh xác minh, làm rõ các nội dung liên quan để xử lý theo quy định.