Sa lầy khoản nợ "khủng" nhiều năm
Tại ngày 31/3/2023, theo Báo cáo tài chính, về chất lượng nợ cho vay của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), có nợ đủ tiêu chuẩn đạt hơn 430.000 tỷ đồng, nợ cần chú ý là trên 3.800 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn là trên 1.300 tỷ đồng, nợ nghi ngờ là trên 681 tỷ đồng. Đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn là trên 2.500 tỷ đồng.
Theo Báo cáo tài chính quý 1/2023, ở mục rủi ro lãi suất thì Sacombank đang cho vay khách hàng quá hạn là hơn 8.300 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, hiện Sacombank đang chịu áp lực rất lớn với khoản nợ "khủng" từ KCN Phong Phú và Công ty LDG (đơn vị có dự án sai phạm vừa bị khởi tố điều tra để làm rõ).
Điển hình nhất là khoản nợ gần 16.200 tỷ đồng liên quan đến Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Tp.HCM. Hiện Sacombank đang chạy đôn chạy đáo tìm cách bán đấu giá khoản nợ này (giá khởi điểm gần 8.000 tỷ đồng), dù trước đó đã tổ chức đấu giá nhiều lần nhưng đều thất bại. Tài sản đảm bảo của khoản nợ bán đấu giá là quyền tài sản phát sinh từ toàn bộ lợi ích thu được từ quyền sử dụng đất đã đền bù thuộc Dự án KCN Phong Phú.
Về tình trạng khoản nợ đang có tổng giá trị các khoản nợ bán đấu giá tính đến ngày 31/12/2021 là gần 16.200 tỷ đồng. Trong đó, vốn là trên 5.100 tỷ đồng, lãi tồn đọng là trên 11.000 tỷ đồng. Số tiền trên được Sacombank cho 18 tổ chức và cá nhân, vay liên tục trong giai đoạn 2011 – 2013.
Đáng nói, số tiền vay của Công ty Cổ phần KCN Phong Phú chỉ là gần 300 tỷ đồng, số còn lại là của tổ chức/cá nhân khác, như khoản nợ của Công ty TNHH MTV Kinh doanh bất động sản - Thương mại - Xuất nhập khẩu Dũng Lan là 411 tỷ đồng. Hay Công ty Cổ phần Long “V” vay 400 tỷ đồng, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tùng Vinh vay 430 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Bất động sản Trí Dũng vay 200 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Mười Đây vay 210 tỷ đồng và Công ty TNHH Đầu tư Phương Lâm vay hơn 99 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là các khoản vay của các cá nhân, như bà Lâm Thị Phép vay 400 tỷ đồng, bà Phạm Thị Ngọc Điệp vay 280 tỷ đồng, bà Lưu Thị Lợi vay 280 tỷ đồng, bà Thạch Thị Thúy An vay 280 tỷ đồng. Đồng thời là khoản vay của bà Diệp Thị Linh 380 tỷ đồng, bà Ngô Thị Bích Duyên vay 380 tỷ đồng, Châu Khương vay hơn 417 tỷ đồng, Trương Thị Cẩm Linh vay 390 tỷ đồng và Dương Thị Điểm vay 280 tỷ đồng.
Theo thông tin PV có được, tất cả 18 hợp đồng thế chấp nêu trên đều do ông Nguyễn Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KCN Phong Phú (PPIP) ký. Tính tới thời điểm chốt khoản nợ này đã lên đến gần 16.200 tỷ đồng.
Dự án xây chui... chủ đầu tư "ngâm" 600 tỷ của Sacombank
Một "con nợ" vào diện “khó nhằn” khác đó là Công ty Cổ phần Đầu tư LDG. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến sai phạm tại Dự án Khu dân cư Tân Thịnh (tên thương mại Viva Park).
Theo đó, LDG đã xây dụng trái phép 680 căn nhà, trong đó có 198 căn biệt thự, 290 căn nhà liên kế đã thi công xong và 192 căn nhà liên kế đang thi công dang dở trong giai đoạn 2018-2020.
Ngoài bị khởi tố liên quan đến dự án này, LDG cũng đang ngập trong nợ nần. Tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của LDG lên đến 4.658 tỷ đồng và “chủ nợ” lớn nhất của công ty này chính Sacombank (Chi nhánh quận 11) với 600 tỷ đồng.
Ngoài khoản nợ này, cách đây chưa lâu, LDG xin khất nợ trái phiếu lên tới 360 tỷ đồng nhưng bất thành. Bên cạnh đó, LDG còn là con nợ của VPBank với 187 tỷ đồng, SeaBank với 65,3 tỷ đồng và VietinBank với gần 11 tỷ đồng.
Chưa hết, LDG còn ghi nhận 1.373 tỷ đồng phải trả vốn hợp tác đầu tư, 152 tỷ đồng chi phí phải trả dự án Khu dân cư Tân Thịnh...
Chưa biết đến khi nào, Sacombank mới thoát ra khỏi những “xác sống” nêu trên?.
Về các thông tin này, PV đã liên hệ đến Sacombank nhưng chưa nhận được phản hồi nào.