Các DN, đặc biệt là DN do nữ làm chủ gặp nhiều khó khăn sau đại dịch.
Sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa kết nối được với đối tác cũ
Kỳ Văn
19:04 01/08/2022
Bà Mai Thị Thùy - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE), Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội phản ánh, từ sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp (DN) thuộc VAWE chưa kết nối được với các đối tác cũ tại một số nước châu Âu cũng như trong khu vực.
Nhiều khó khăn
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7/2022 do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức mới đây, bà Mai Thị Thùy - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE), Chủ tịch Hội Nữ DN nhỏ và vừa TP Hà Nội đã thông tin về tình hình xuất, nhập khẩu của hiệp hội với các thị trường nước ngoài; phân tích những khó khăn, thách thức mà các DN hội viên đang gặp phải.
Về tình hình xuất nhập khẩu của hiệp hội với các thị trường nước ngoài, bà Mai Thị Thùy cho biết: Từ sau dịch COVID-19, các DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, gạch không nung... vẫn chưa nối được với các đối tác cũ tại các nước như Đức, Pháp, Ý, Đan Mạch. Trong khi đó, các DN xuất khẩu hàng lưu niệm, tranh đá quý, áo dài Việt Nam, nông sản sấy khô chưa kết nối được với thị trường Lào, Thái Lan, Myanmar.
Các DN, đặc biệt là DN do nữ làm chủ gặp nhiều khó khăn sau đại dịch.
Theo bà Mai Thị Thùy, những năm trước dịch COVID-19, các DN của hiệp hội sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, chế biến nông sản thực phẩm, gạch ngói không nung đã xuất đi nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và các nước trong khu vực như Nhật Bản, Lào, Thái Lan, Myanmar - những thị trường vốn rất quen thuộc với DN.
Trong thời gian dịch bệnh kéo dài, các đơn hàng bị hủy, đồng nghĩa với sản xuất ngừng trệ, lao động nghỉ việc nhiều. Hiện nay, các DN đang ổn định lại sản xuất kinh doanh và làm việc với các đối tác cũ để nối lại hợp đồng.
Hiện các DN gặp khó khăn do thiếu lao động, phải ổn định lại sản xuất. Do đó, việc kết nối với các đối tác nước ngoài cũng gặp khó khăn. Các DN đang tích cực kết nối lại với các đối tác cũ thông qua sự trợ giúp của các thương vụ Việt Nam tại các nước để xuất hàng.
Trong khi đó, hoạt động xuất, nhập khẩu của DN chịu tác động lớn khi phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của đối tác. Nếu không tuân thủ thì hàng xuất sang bị trả về, gây tốn kém cho DN.
Ngoài ra, phí vận chuyển và giá xăng dầu tăng cao, lạm phát toàn cầu, đồng EURO xuống thấp ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu hàng của các DN.
Năng lực tìm đối tác nước ngoài của các DNNVV do phụ nữ làm chủ còn yếu, mặc dù hàng hóa sản xuất chất lượng đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, dẫn đến nhiều DN đang nhận làm gia công cho các DN xuất khẩu khác.
Mong muốn hỗ trợ tìm kiếm đối tác
Đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương trong công tác xúc tiến thương mại, bà Mai Thị Thùy cho biết, nhiều năm qua, Bộ Công Thương cùng các đơn vị trực thuộc, trong đó có Cục Xúc tiến thương mại và các thương vụ tại nước ngoài đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Qua đó, DN có cơ hội tốt để tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác để hợp tác kinh doanh.
Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng đã giúp các DN có cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã nhiệt tình giúp đỡ, phối hợp cùng VAWE mời các DN nước sở tại tham gia chương trình, tổ chức các hội nghị giao thương cũng như trưng bày giới thiệu sản phẩm cho các DN hai nước. Giới thiệu cho hiệp hội làm việc với các tổ chức, cơ quan liên quan bên nước bạn...
Tuy vậy, trong bối cảnh các DN còn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, bà Mai Thị Thùy kiến nghị các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại. Cụ thể, hiệp hội mong muốn các thương vụ thương vụ khảo sát các hội chợ phù hợp với các ngành Việt Nam; kịp thời giới thiệu quy định của Ban tổ chức hội chợ thông qua Cục XTTM để các DN nắm bắt thông tin và tham gia hiệu quả.
Thường xuyên cung cấp các thông tin về biến đổi thị trường của các nước như tình hình lạm phát, nhu cầu các ngành hàng, yêu cầu mẫu mã, chất lượng... để các DN định hướng sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường.
Năng lực tìm đối tác nước ngoài của các DNNVV do phụ nữ làm chủ còn yếu. Do vậy, đề nghị thương vụ Việt Nam tại các nước Đan Mạch, Đức, Pháp, Hà Lan, tìm hiểu và giới thiệu các đối tác có nhu cầu nhập hàng về sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gạch không nung, may mặc. Thương vụ Việt Nam tại thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan giới thiệu các DN có nhu cầu nhập hàng nông, thủy hải sản sấy khô, da giày, hàng lưu niệm... để các DN kết nối kinh doanh.
Hiện hàng hóa của các DN Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu mang thương hiệu của DN nước ngoài thay vì thương hiệu của DN mình. Do đó, VAWE kiến nghị Bộ Công Thương và các thương vụ hỗ trợ để sản phẩm mang thương hiệu và đúng tên DN Việt Nam trên thị trường quốc tế".