Sau dịch Covid-19, các hãng bay tiếp tục theo đuổi chiến lược cắt giảm lao động để sống

Admin
SAS, một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Âu, đã thông báo sẽ cắt giảm khoảng một nửa lao động để vật lộn sống sót sau đợt bùng phát đại dịch Covid - 19.

Hàng chục ngàn lao động hàng không bị sa thải sau dịch Covid - 19

Hôm 28/4, hãng hàng không Scandinavia (SAS) - hãng bay lớn nhất tại Scandinavia, mang cờ hiệu của ba nước Thụy Điển, Nauy và Đan Mạch, cho biết sẽ cắt giảm tới 5.000 việc làm toàn thời gian, trong một nỗ lực để vật lộn sống sót sau đợt bùng phát dịch bệnh ở châu Âu.

Không chỉ có SAS, các ông lớn trên thị trường hàng không thế giới cũng tiếp tục theo đuổi chiến lược cắt giảm chi phí, sa thải nhân viên trước sự sụt giảm nhu cầu và các quy định hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia.

Hãng bay của Vương quốc Anh British Airways hồi đầu tháng này nói rằng họ sẽ cắt giảm hơn 30.000 nhân viên buồng lái và mặt đất.

Trong khi đó, tuy không chọn cách cắt giảm lao động nhưng hãng Lufthansa cho biết 2/3 nhân viên của họ sẽ phải giảm giờ làm, sau khi nhiều đội tàu bay phải nằm đắp chiếu vì không có khách.

Tháng trước, SAS đã tạm thời phải cho hơn 10.000 nhân viên nghỉ việc, tương đương khoảng 90% tổng lực lượng lao động của hãng. Virus Covid - 19 đã khiến các tuyến bay quốc tế bị đóng băng trong tháng 3, trong khi đó các tuyến bay nội địa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giám đốc điều hành SAS Rickard Gustafson cho biết nhu cầu có thể sẽ còn tiếp tục sụt giảm trong năm nay và cả trong năm 2021. Ông dự báo, ngành hàng không sẽ chỉ phục hồi trở lại trong năm 2022.

"Đây là kịch bản mà chúng tôi đang hướng tới, và nó cũng là dự báo lạc quan nhất mà chúng tôi có thể đưa ra", vị CEO nói với Reuters.

Trong khi đó, hãng bay Rival Norwegian Air của Na Uy cho biết họ có thể sẽ hết tiền vào giữa tháng 5/2020. Tuần trước, hãng này nói rằng hơn 4.700 nhân viên có thể sẽ bị mất việc khi lần lượt 4 chi nhánh tại Thuỷ Điển và Đan Mạch đã nộp đơn xin phá sản.

Chính phủ Na Uy đang tìm cách cứu vãn hãng hàng không này, bằng cách chuyển đổi các khoản nợ thành vốn sở hữu, thông qua một cuộc đấu thầu để giúp hãng có thể nhận viện trợ và sống sót sau khủng hoảng.

SAS - hãng bay thuộc sở hữu của Thuỵ Điển và Đan Mạch cho biết thêm rằng lộ trình cắt giảm nhân sự sẽ lần lượt là 1.900 việc làm tại Thuỵ Điển, 1.300 việc làm tại Na Uy và 1.700 lao động ở Đan Mạch.

Cổ phiếu của SAS đã rớt 3,4% giá trị sau khi thông tin này được công bố. Từ đầu năm đến nay nó đã giảm khoảng 40%.

Theo Đời sống và Pháp lý