Theo dự đoán của một số chuyên gia lao động, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, với tình hình dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH, bài toán đặt ra đối với DN là phải xây dựng và thực hiện phương án khôi phục sản xuất trước mắt và định hướng phát triển lâu dài.
Để làm được, các DN cần tận dụng cơ hội khi cả nền kinh tế trong nước và thế giới phải thay đổi để có tính cách mạng hơn. DN phải mạnh dạn sắp xếp lại sản xuất, thậm chí thay đổi phương hướng sản xuất, đầu tư theo chiều sâu, đổi mới máy móc, thiết bị và áp dụng công nghệ mới để sản xuất ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho rằng, ngay từ bây giờ, càng triển khai kinh doanh sớm sẽ càng tốt, người lao động (NLĐ) có nhiều cơ hội hơn để quay lại làm việc. Nhưng vấn đề đặt ra là hiện vẫn còn có những nước chưa khống chế được dịch, ảnh hưởng đến những DN Việt Nam chuyên sản xuất những mặt hàng xuất khẩu.
"Vì thế, thị trường trong nước là giải pháp tốt nhưng nó quá bé so với DN lớn. Thứ hai, là tập trung khai thác thị trường mới ít bị ảnh hưởng dịch Covid-19" - ông Xuân Hiệp nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu kép là DN vừa phát triển sản xuất kinh doanh và tạo việc làm để thu hút thêm lao động, ngoài các gói hỗ trợ từ Nhà nước cho DN, cần tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Trong nguy có cơ, đại dịch Covid-19 là dịp để nhiều DN sàng lọc lao động. Có DN lấy cớ khó khăn để sa thải nhân công. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cần thể hiện rõ vai trò rất quan trọng của mình, đặc biệt là Công đoàn để bảo vệ quyền lợi NLĐ.
"Các DN lớn thì không có vấn đề vì họ luôn có trách nhiệm xã hội. Nhưng điều lo lắng nhất là những DN nhỏ và vừa tạo ra tới 70% việc làm cho nền kinh tế nhưng tính ổn định lại không cao" - PGS.TS Giang Thanh Long - Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết.
Phản hồi về việc giải pháp nào để DN không sa thải NLĐ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Vũ Minh Tiến cho hay: Chúng tôi đã tư vấn với Công đoàn các cấp về việc thương lượng, trao đổi với chỉ sử dụng lao động để làm sao hạn chế tối đa chấm dứt hợp đồng lao động bằng cách san việc làm, giảm số giờ làm đi. Sau dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, khi các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, việc tuyển dụng lao động rất khó, vì thế DN cần phải giữ chân NLĐ.
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều DN có sáng kiến ngoài thời gian làm việc, họ cử người đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy. "Chúng tôi đi khảo sát và thấy nhiều DN đa dạng hóa thị trường, liên doanh liên kết với nhau, san sẻ đơn hàng" - ông Minh Tiến cho biết.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hữu Dũng, khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục là cơ hội tốt cho NLĐ, nhất là người bị mất việc hoặc phải ngừng việc tạm thời để có cơ hội trở lại làm việc. Lúc này cầu lao động có xu hướng tăng và thị trường lao động sôi động hơn.
Tuy nhiên, bài toán việc làm không đơn giản vì kinh tế phục hồi phải có thời gian nên xu hướng cầu lao động sẽ tăng nhưng không phải cơ hội cho tất cả mọi người. Do đó, mỗi NLĐ phải nỗ lực cao hơn, dù là lao động cũ nhưng phải đáp ứng được yêu cầu mới của sản xuất.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân chia sẻ, về phía NLĐ chuẩn bị cho mình tâm thế, nắm bắt thông tin thị trường lao động để có cập nhật thường xuyên liên tục, nhằm tìm kiếm cho mình việc làm phù hợp.
Theo KTĐT