Số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn khiêm tốn

Admin
Dù phụ nữ Việt Nam gần như bình đẳng với nam giới về trình độ học vấn và tham gia lực lượng lao động, nhưng do đối mặt với nhiều thách thức, rào cản nên chỉ 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ.
Nhiều áp lực và rào cản
Tại hội thảo tham vấn "Sách trắng cho DNNVV do phụ nữ làm chủ" do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ kế hoạch & Đầu tư) tổ chức sáng 10/4 tại Hà Nội, Tiến sĩ Adam McCarrty - chuyên gia quốc tế của ADB về chính sách giới, cho biết, Sách Trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ (DNNVV-PNLC) nói về hiện trạng phụ nữ Việt Nam trong kinh doanh với việc sử dụng dữ liệu của Tổng cục Thống kê năm 2021.
Theo Sách Trắng, Việt Nam có khung pháp lý toàn diện tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào nền kinh tế rộng lớn hơn. Phụ nữ Việt Nam gần như bình đẳng về trình độ học vấn và tham gia lực lượng lao động. Tuy nhiên, số DN là do phụ nữ làm chủ còn rất khiêm tốn.
Tính đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có hơn 553.000 DN, trong đó có 536.000 DNNVV. Trong số 536.000 DNNVV, phụ nữ sở hữu hơn 106.000 DN - tức chỉ chiếm hơn 20% số DNNVV tại Việt Nam.

Tính đến tháng 12/2020, phụ nữ mới chỉ sở hữu 20% số DNNVV Việt Nam.
Sách Trắng chỉ ra rằng, dường như phụ nữ sở hữu và điều hành DNNVV có quy mô nhỏ hơn một chút so với nam giới và có xu hướng hoạt động nhiều hơn trong các lĩnh vực sử dụng vốn ít hơn.
Lý giải con số khiêm tốn này, đại diện Cục Phát triển DN cho biết, dù có sự công nhận về bình đẳng giới về mặt hiến pháp và ngày càng có nhiều sửa đổi các văn bản pháp luật và quy định để duy trì bình đẳng giới, các nữ doanh nhân ở Việt Nam vẫn chịu áp lực từ chuẩn mực và kỳ vọng xã hội. Đó là các giá trị truyền thống và gia trưởng làm gia tăng sự phụ thuộc của phụ nữ.
Do vướng rào cản mà các DNNVV-PNLC gặp phải liên quan đến các giá trị, chuẩn mực xã hội và thiên kiến, nên phụ nữ có ít thời gian hơn để tập trung và phát triển kinh doanh. Nữ chủ DN chịu thiệt thòi vì phải dành thời gian làm các công việc gia đình và chăm sóc con cái, người thân nhiều hơn so với nam giới.
Trong khi đó, khảo sát các nữ quản lý DN cho thấy, 31% cho biết các quan chức Chính phủ, cả nam và nữ, đối xử ưu ái với nam giới làm kinh doanh hơn so với nữ giới làm kinh doanh. Việc làm cho các hệ thống chính thức trở nên công bằng chỉ là một nửa của tất cả các thách thức với tư cách là những rào cản thực sự mà phụ nữ làm kinh doanh gặp phải. Điều này một phần giải thích tại sao chỉ có 20% số DNNVV Việt Nam là do PNLC.

Nữ doanh nhân chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới trong hoạt động kinh doanh.
Nhưng một nguyên nhân khác là do phụ nữ tự lựa chọn gia đình, bạn bè và đồng nghiệp có thể đã ngăn cản họ khởi nghiệp hoặc phát triển doanh nghiệp.
Cũng theo Sách Trắng, Luật Hỗ trợ DNNVV có nhiều mục tiêu tốt nhưng thiếu "lăng kính giới tính" và còn tồn tại một số vấn đề trong quá trình thực hiện về tiếp cận tín dụng và các chương trình bảo lãnh tín dụng.
Các văn bản hướng dẫn thi hành luật hoặc là không có hoặc quá phức tạp, và việc thực thi ở cấp tỉnh còn khiêm tốn. Có một số ít sáng kiến thực thi Luật DNNVV đã được triển khai ở cấp tỉnh nhưng nhìn chung tiến độ còn chậm và quan trọng nhất là tất cả các sáng kiến này đều thiếu kinh phí và sẽ không bao giờ có thể đáp ứng được nhu cầu của 536.030 DNNVV Việt Nam. Do đó, chi tiêu ngân sách của Chính phủ cần ưu tiên các chương trình hành động có khả năng tác động đến tất cả các DNNVV.
Cần hỗ trợ trực tiếp
Từ thực trạng trên, Tiến sĩ Adam McCarty khuyến nghị, cần hỗ trợ trực tiếp giúp doanh nhân nữ phát triển kinh doanh, bao gồm chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp chính thức và mở rộng thị trường, chuỗi giá trị.
Ngoài ra, cần tăng cường năng lực và kiến thức kinh doanh của phụ nữ. Cải thiện tiếp cận tài chính của DNNVV - PNLC bằng cách làm việc với các ngân hàng về các sản phẩm tài chính mới và phổ biến kế hoạch hành động để giúp DNNVV - PNLC hiểu rõ hơn yêu cầu của ngân hàng.
Đào tạo các nhà quản lý DNNVV-PNLC để lập kế hoạch và phát triển, cải thiện tiếp cận thông tin pháp luật và dịch vụ tư vấn cũng như nhận thưc về các phương án hỗ trợ kinh doanh.
Đặc biệt, cần tiếp tục lồng ghép vấn đề giới vào tất cả các văn bản pháp luật và đo lường tốt hơn các dữ liệu phân tích theo giới.
Tài trợ cho các chương trình thử nghiệm cụ thể để thí điểm và chứng minh các ý tưởng tốt. Ví dụ, thử nghiệm ba mô hình mới khác nhau về cho vay không thế chấp hoặc tài sản lưu động cho DN siêu nhỏ, có thể là 600 khoản vay tại 6 tỉnh và chia đều cho DNNVV - PNLC và DNNVV do nam giới làm chủ. Hoặc thử nghiệm 3 mô hình bảo lãnh tín dụng cho 600.000 DNNVV khác để xem cách làm nào là hiệu quả.
Cùng với đó, cần cách mạng hóa cách tiếp cận về đào tạo và xây dựng năng lực để phù hợp với thời đại internet và giờ đây là thời đại trí tuệ nhân tạo dựa trên ChatGPT.