Sóc Trăng: Sản lượng lúa trong 9 tháng năm 2024 đạt trên 2,1 triệu tấn, tăng hơn 5% so với cùng kỳ

Trong 9 tháng năm 2024, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt nhiều kết quả tích cực. Diện tích xuống giống lúa 337.874ha, tăng 2,27% so cùng kỳ, sản lượng hơn 2,1 triệu tấn, tăng hơn 5% so cùng kỳ, trong đó sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 94% diện tích.

Tình hình tiêu thụ lúa khá thuận lợi, giá lúa tăng từ 500 - 3.500 đồng/kg so với cùng kỳ. Giá lúa thường dao động từ 6.800-10.000 đồng/kg, giá lúa thơm nhẹ dao động từ 7.300-10.200 đồng/kg và giá lúa đặc sản dao động từ 7.600-11.500 đồng/kg. Trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 có 107 công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm từ đầu vụ, với tổng diện tích bao tiêu 28.355 ha, tăng hơn 6.924 ha so với cùng kỳ. Lợi nhuận bình quân vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 đạt trên 36 triệu đồng/ha, tăng 33,8% so với vụ Đông Xuân 2022-2023.

9 tháng năm 2024, sản lượng lúa Sóc Trăng đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng hơn 5% so cùng kỳ, trong đó sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 94% diện tích.9 tháng năm 2024, sản lượng lúa Sóc Trăng đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng hơn 5% so cùng kỳ, trong đó sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 94% diện tích. (Ảnh: Hoàng Phúc)

Xuất khẩu gạo của tỉnh Sóc Trăng 9 tháng năm 2024 đạt kim ngạch 510 triệu USD, tăng hơn 51,63% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất từ trước đến nay, vượt cả năm 2023 tới 100 triệu USD. Với giá cả thuận lợi và thị trường xuất ổn định, 3 tháng cuối năm dự báo gạo xuất khẩu của tỉnh vẫn còn thuận lợi và tiếp tục đạt cao so với dự kiến.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng thông tin, trong các tháng còn lại của năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo chăm sóc và thu hoạch tốt vụ lúa Hè - Thu, Thu - Đông năm 2024. Hỗ trợ hướng dẫn chăm sóc vụ Mùa, khuyến cáo thời vụ sản xuất lúa Đông - Xuân (2024 - 2025).

Tỉnh Sóc Trăng đang thực hiện Dự án sản xuất và phát triển lúa đặc sản giai đoạn 2022 – 2025;  “Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”; và triển khai mô hình thí điểm “Canh tác lúa giảm phát thải, quản lý rơm, nước và phân bón” đã cho kết quả cao là tiền đề để tỉnh tiếp tục tăng diện tích trong mùa vụ tới và hướng tới nền nông nghiệp bền vững, mang lại giá trị cao.

L.T (t/h)