Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research có báo cáo về ACB, dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2020 và năm 2021 lần lượt là 8.200 tỷ đồng và 9.500 tỷ đồng, tăng 9,2% và 15,5% so với năm trước. Con số này chưa bao gồm phí bancassurance độc quyền, nếu có của ACB trong quý cuối năm.
SSI Research đề cập ACB vẫn đang đàm phán về một thỏa thuận bancassurance độc quyền. Ngân hàng đang phân phối các sản phẩm bảo hiểm cho Manulife, AIA, FWD. Theo ban lãnh đạo, các sản phẩm của AIA đang bán tốt nhất trong số 3 công ty bảo hiểm nhân thọ.
CTCK cũng đưa giả định về một khoản phí trả trước theo thỏa thuận bancassurance độc quyền có thể giúp làm tăng tổng vốn chủ sở hữu của ACB năm 2021. Quan sát các giao dịch bancassurance độc quyền gần đây, phí bancassurance mỗi khách hàng dao động từ 20 USD đến 35 US. Do đó, SSI Research giả định phí độc quyền trong trường hợp của ACB có thể khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng, giúp tăng vốn chủ sở hữu năm 2021. BVPS 2021 được ước tính sẽ tăng từ 6-7%.
Mặt khác, ACB đã nộp hồ sơ chuyển sàn sang HSX, dự kiến hoàn tất vào đầu tháng 12/2020.
Lũy kế 9 tháng 2020, ACB đạt lợi nhuận trước thuế lũy kế 6.400 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế riêng quý III tăng 34%, đạt 2.600 tỷ đồng. Kết quả ấn tượng này là nhờ tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt đạt 10,6% và 8,5% so với đầu năm.
|
NIM cũng tăng 28 điểm cơ bản so với quý trước lên 3,7%, đồng thời chi phí hoạt động được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, SSI Research quan ngại về tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLCR) của ACB liên tục giảm từ 175% xuống 118% từ cuối năm 2019.
Mức lợi nhuận cao được kỳ vọng sẽ giúp ACB có nhiều nguồn lực để xóa nợ xấu, cải thiện chỉ số chất lượng tài sản. Tuy nhiên, nợ xấu đã xóa trong kỳ chỉ ở mức 17,3 tỷ đồng và tổng các khoản nợ quá hạn (nợ Nhóm 2 đến Nhóm 5) tăng 14,5% so với quý trước lên 3.300 tỷ đồng.