Sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng - Bài cuối: Cần sự thay đổi thực chất

Khẳng định với phóng viên Tiền Phong, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, doanh nghiệp vàng và chuyên gia cho rằng, cùng việc xóa độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng, dự thảo Nghị định vẫn còn quá nhiều nút thắt liên quan đến phát triển theo tinh thần Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Chính sách phải dẫn dắt thị trường

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong , ông Đinh Nho Bảng, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, Hiệp hội đã có văn bản góp ý gửi Ngân hàng Nhà nước phân tích loạt vấn đề đang tồn tại trong dự thảo sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng. Theo đánh giá của các thành viên VGTA, dự thảo chưa thật sự thay đổi được những bất cập của thị trường với các quy định như hiện nay do thiếu loạt chính sách dẫn dắt thị trường, sửa đổi các bất cập.

Từng có hơn 20 năm làm việc cho ngân hàng vàng của Thụy Sĩ, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cho rằng, thị trường vàng hiện có quá nhiều bất cập. Những sửa đổi của dự thảo Nghị định mới chỉ là điều chỉnh về mặt kỹ thuật, chưa có thay đổi mạnh về tư duy. Ngân hàng Nhà nước phải thay đổi, sửa Nghị định 24 bằng một Nghị định khác chứ không phải là sửa đổi như vậy. Cách làm hiện nay không khoa học và không đảm bảo tạo điều kiện thông thoáng cho DN phát triển.

Khoản 2 Điều 1 và Điều 11a của dự thảo Nghị định sửa đổi có bổ sung nhóm đối tượng được sản xuất, cung ứng vàng miếng gồm doanh nghiệp (DN) và tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Hiệp hội đề nghị không nên bổ sung tổ chức tín dụng, đặc biệt là các Ngân hàng thương mại tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng vì theo Luật Các Tổ chức tín dụng ngày 18/01/2024, Ngân hàng thương mại không có chức năng nhiệm vụ sản xuất vàng. Nhiệm vụ chính của các Ngân hàng thương mại là kinh doanh tiền tệ, đặc biệt là hoạt động tín dụng, và cung ứng dịch vụ thanh toán. Nếu để các ngân hàng thương mại tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng, các ngân hàng buộc phải sử dụng nguồn vốn khá lớn (đầu tư nhà xưởng, máy móc, đào tạo tay nghề nhân công) đầu tư vào lĩnh vực không thuộc chức năng, nhiệm vụ chính. Thực tế cũng cho thấy, các ngân hàng thương mại không phải là tổ chức chuyên sâu về sản xuất kinh doanh vàng và lịch sử đã chứng minh các Ngân hàng thương mại sản xuất và kinh doanh vàng miếng không hiệu quả như Agribank, Sacombank, ngân hàng ACB giai đoạn trước 2012. Thậm chí, một số ngân hàng thương mại đã để lại hậu quả ngoài mong muốn kéo dài mà nhờ sự chỉ đạo quyết tâm hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước mới ổn định lại.

Sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng - Bài cuối: Cần sự thay đổi thực chất- Ảnh 1.

Không nên vừa quản lý vừa kinh doanh

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), việc để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ như quy định tại Khoản 2 Điều 1 dự thảo cũng cần xem xét lại. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước, không phải là cơ quan sản xuất kinh doanh vàng miếng. Nếu Ngân hàng Nhà nước tham gia thương trường (tổ chức sản xuất vàng miếng) thì sẽ chịu sự quản lý của cơ quan nào? Việc này dẫn tới chồng chéo nhiệm vụ vừa thực hiện kinh doanh, vừa thực hiện quản lý Nhà nước? Hơn nữa Nghị định 24 là Nghị định về “quản lý hoạt động kinh doanh vàng”; do đó vai trò của Ngân hàng Nhà nước không phù hợp quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước. Việc Ngân hàng nhà nước sản xuất vàng miếng để can thiệp thị trường được điều chỉnh bởi Nghị định về quản lý dự trữ ngoại hối là phù hợp, hợp lý hơn.

“Nếu Ngân hàng nhà nước tham gia sản xuất cung ứng vàng miếng, chắc chắn càng tác động tạo tâm lý thu hút người dân, nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào vàng miếng mang thương hiệu Ngân hàng nhà nước Việt Nam rất dễ đem lại hậu quả tương tự như trước đây khi lấy vàng SJC làm vàng chuẩn quốc gia và đang để lại nhiều hệ lụy về độc quyền vàng miếng. Như vậy thì vàng miếng của doanh nghiệp sẽ không thể thu hút được và mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung vàng miếng với nhiều thương hiệu khác nhau nhằm kéo giá vàng xuống khó đạt được. Kinh doanh mà ra ngõ gặp trở ngại thì sao phát triển được”, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nêu quan điểm.

Chỉ rõ bất cập của thị trường hiện nay, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cho rằng, một thương hiệu như SJC mà 13 năm không mua thêm vàng để bán ra thì làm sao giá trong nước có thể hạ xuống. Dự thảo cũng quy định, DN muốn sản xuất vàng miếng phải có vốn 1.000 tỷ đồng đồng thời phải có thêm giấy phép sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Quy định này không khác gì nảy sinh thêm giấy phép con. “Trong nghị định có quy định, để cho các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng nhà nước tham gia kinh doanh vàng. Đây là điều rất nguy hiểm. Kinh nghiệm các nước không áp dụng như thế”, ông Hùng nhấn mạnh.