Theo Thông tư, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm các sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, được sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành. Nhóm thứ hai là các sản phẩm sữa và dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc lỏng, được công bố sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng không thuộc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Về thực phẩm chức năng, Thông tư quy định các sản phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện kê khai giá bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học (thực phẩm dùng cho mục đích y tế đặc biệt), thực phẩm bổ sung và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt không chứa sữa.
Sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ dưới 6 tuổi vào danh mục buộc phải kê khai giá.
Thông tư cũng nhấn mạnh rằng các sản phẩm này phải kê khai rõ các thông tin liên quan, bao gồm tên sản phẩm (tên gọi chi tiết), phân loại, dạng sản phẩm (dạng bào chế hoặc dạng dùng) và số giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố hoặc số tự công bố sản phẩm.
Quy định mới này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Đồng thời, hai văn bản cũ là Thông tư 30 (ban hành ngày 4/10/2013) về danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa bình ổn giá và Thông tư 22 (ban hành ngày 12/9/2018) về danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ dưới 6 tuổi thuộc diện kê khai giá, sẽ hết hiệu lực khi Thông tư 33 có hiệu lực.
Bộ Y tế giao UBND tỉnh trách nhiệm tổ chức triển khai việc tiếp nhận kê khai giá theo quy định của pháp luật về giá. Các cơ quan chức năng được phân công tiếp nhận kê khai tại địa phương cũng có nhiệm vụ gửi thông tin kê khai giá về Bộ Y tế, thông qua Cục An toàn thực phẩm, để đánh giá biến động giá cả thị trường và xây dựng báo cáo bình ổn giá.
Ngoài ra, tổ chức và cá nhân công bố sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ dưới 6 tuổi (bao gồm cả các sản phẩm sử dụng cho nhiều lứa tuổi trong đó có trẻ dưới 6 tuổi) có trách nhiệm nộp văn bản kê khai giá đến cơ quan tiếp nhận kê khai giá tại địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều 17 và khoản 2 Điều 18 Nghị định 85 ngày 10/7/2024 của Chính phủ.
Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện Thông tư 33. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn hoặc vướng mắc, các tổ chức, cá nhân có thể phản ánh trực tiếp về Bộ Y tế (qua Cục An toàn thực phẩm) để được xem xét và giải quyết.
Duy Lộc (t/h)