Sức bật của kinh tế Việt Nam sau đại dịch

Admin
Việt Nam đang tái khởi động nền kinh tế sau thời gian tập trung chiến đấu với đại dịch Covid-19. Âm thanh của động cơ, tiếng máy rền trên công trường, trong nhà máy, trên đồng ruộng, cùng khí thế làm việc hăng say của người lao động… chính là tín hiệu lạc quan để chúng ta tin rằng Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu kép vừa chiến thắng dịch bệnh, vừa hồi phục và phát triển mạnh mẽ kinh tế.

Khi chiếc lò xo kinh tế bị nén...

Với tinh thần "Chống dịch như chống giặc", Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia khống chế tốt dịch bệnh và có điều kiện dỡ bỏ sớm các biện pháp cách ly, tái khởi động nền kinh tế. Đây là cơ hội để chúng ta bước ra khỏi đà suy giảm so với nhiều nền kinh tế khác.

Sau thời gian tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một loạt các DN, ngành hàng, địa phương đã khởi động guồng máy kinh tế… Trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), khi thị trường rơi vào trầm lắng, nhiều chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS đã phản ứng nhanh trước khó khăn bằng cách thay đổi phương thức bán hàng từ trực tiếp sang bán hàng online để thích nghi với việc giãn cách xã hội, đơn cử như Đất Xanh Miền Bắc, Cen Group, Hải Phát Land...

May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Hải Linh

Trong tâm dịch, các DN này liên tục mở nhiều buổi tiếp thị sản phẩm trực tuyến..., qua đó duy trì hoạt động và sự kết nối với khách hàng. Mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng vừa cho ra đời sàn giao dịch BĐS trực tuyến. Tập đoàn Sun Group cho hay, đã lên kế hoạch cụ thể để xây dựng và cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, hứa hẹn sẽ rất hút khách trong năm nay.

Tổng Giám đốc Đại Phúc Land Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh, Tập đoàn BĐS Đại Phúc vẫn xác định đây là giai đoạn củng cố và chuẩn bị nguồn lực tốt nhất cho chương trình tái khởi động sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong khi Khải Tín Group đã chuẩn bị bài bản về nhân lực lẫn vật lực để tái khởi động mạnh mẽ hàng loạt dự án sau thời gian cách ly xã hội, nhằm mang lại những sản phẩm bất động sản tốt nhất cho khách hàng.

Tương tự, thay vì chọn cách tiếp cận thận trọng cho phương án trở lại sau dịch Covid-19, các hãng hàng không Việt Nam đang đặt cược vào sự hồi phục nhanh của thị trường. Tất cả các hãng hàng không đồng loạt khôi phục đường bay nội địa, nhiều hãng cũng nghiên cứu các chiến lược chuyển hướng mở thị trường mới.

Hàng loạt hãng ô tô, xe máy tại Việt Nam đã khởi động lại hệ thống sản xuất, các cơ sở kinh doanh. Đại diện TC MOTOR cho biết, nhà máy lắp ráp ô tô Hyundai tại Ninh Bình đã hoạt động với 100% công suất. Mitsubishi cho biết, hoạt động sản xuất tại nhà máy Bình Dương trước mắt được duy trì trong trạng thái giãn cách và tiến tới khôi phục công suất như trước giai đoạn dịch bùng phát. Toàn bộ hệ thống kinh doanh tại các đại lý Việt Nam của Toyota (trừ Bắc Ninh), Mitsubishi, Hyundai, Mercedes-Benz, Porsche… đều xác nhận đã bắt đầu mở cửa phục vụ khách hàng.

Không chỉ các tập đoàn lớn, các DNNN mà cả DN tư nhân, hợp tác xã, nhất là DN nhỏ và vừa đều hăng hái khởi động. Đơn cử như Công ty TNHH Hoàng Phát (Thạch Thất, Hà Nội). Thời gian qua, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn cung nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề, trước thực trạng này, Công ty đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất các sản phẩm cho thị trường nội địa, tạo công việc cho người lao động.

Ở góc độ quản lý, các bộ, ngành, địa phương với tinh thần chủ động đã hoàn thiện các kịch bản, phương án, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch. Những nhiệm vụ cấp bách, làm ngay là tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết việc làm, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, giống như chiếc lò xo sau thời gian bị nén bật mạnh hơn và cao hơn.

Cơ hội tái cấu trúc thích ứng với mọi cú sốc

Theo Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường, kịch bản cơ sở trong dự báo ngày 3/4 của ADB cho hay, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 là 4,8%. Đây vẫn là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á. Nhiều tổ chức quốc tế cũng có góc nhìn tích cực về dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, sau đại dịch là cơ hội để nhìn ra những hạn chế của nền kinh tế và thay đổi. Dịch Covid-19 đã tác động thẳng vào chuỗi sản xuất toàn cầu, khiến cho sản xuất đình trệ. Nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, ít DN lớn khó tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng, tiêu chuẩn; thiếu nhân lực khoa học công nghệ có kỹ năng; chậm tham gia kinh tế số.

Đã đến lúc thị trường nội địa và mạng sản xuất nội bộ các nền kinh tế cần được xem trọng. Cần xây dựng chiến lược phát triển DN Việt cho giai đoạn mới, khắc phục những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển, tạo đà cho kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định.

“Những sự kiện trước đây và hiện nay đã cho thấy, điểm quan trọng của mô hình kinh tế Việt Nam trong tương lai phải là phải có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc, có thể là các cú sốc về kinh tế, tài chính, dịch bệnh hay thiên tai, và có thể linh hoạt thích ứng ngay sau đó” - ông Cường trao đổi với báo chí.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Minh Cường, trong khi nền kinh tế thực dựa trên các mối quan hệ trực tiếp giữa người và người bị gián đoạn, thì nền kinh tế số dựa trên các mối tương tác qua môi trường Internet đang phát triển mạnh, đặc biệt là thương mại điện tử, dịch vụ phân phối, giáo dục, các hoạt động giao tiếp kinh doanh qua mạng, các thủ tục hành chính qua mạng, thậm chí cả dịch vụ y tế qua mạng.
Cùng với đó, nhu cầu hạn chế tiếp xúc cũng thúc đẩy quá trình tự động hóa, từ việc khử trùng trong bệnh viện đến giao hàng qua robot. Đồng quan điểm, TS Phạm Thị Thu Trà - Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế và giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị tại Đại học RMIT Việt Nam khẳng định: Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số, fintech, blockchain và các công nghệ đột phá khác sẽ thúc đẩy năng lực cạnh tranh và năng suất quốc gia, giúp nền kinh tế hồi phục trong trung và dài hạn.

Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, bài học sau đại dịch lần này rất sâu sắc bởi nó còn là kinh nghiệm về cách xử lý, phục hồi và bứt phá sau dịch bệnh của nền kinh tế. Covid-19 làm xuất hiện những xu hướng mới, cách thức kinh doanh mới mà nếu DN nhanh nhạy bắt kịp chuyển đổi vẫn có thể thắng. Đây chính là thời cơ tốt để nhân rộng hơn nền tảng số, không gian số, chuyển đối số và xây dựng cộng đồng doanh nhân số.

"Để vực dậy nền kinh tế sau dịch, trước tiên, cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; đồng thời, nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng… " - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

"Nhìn cách các DN xoay xở trong mùa dịch Covid-19 có thể coi là một “bài kiểm tra” đặc biệt để thấy được sức chống chịu của họ như thế nào. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ, chính các DN cũng cần sự chủ động ứng dụng nền tảng số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết nối giao thương để chia sẻ nguồn lực; tích cực chuyển đổi phương thức quản lý; nâng cao hiệu suất của người lao động cũng như gia tăng sự minh bạch của DN trong bối cảnh hiện nay" - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân

Theo KTĐT