''Tăng tốc'' cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Kỳ Văn
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Song, thời gian qua, việc cổ phần hóa còn chậm, không đạt kế hoạch đề ra bởi cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Để tạo sự chuyển biến, "tăng tốc" mạnh mẽ trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cần triển khai nhiều giải pháp trong thời gian tới.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cơ bản hoàn thành cổ phần hóa tại Tổng công ty Phát điện 2 và Tổng công ty Phát điện 3. Trong ảnh: Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng - đơn vị thành viên của Tổng công ty Phát điện 2. Ảnh: Thanh Hải

Cổ phần hóa không đạt kế hoạch

Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Phạm Văn Đức cho biết, trong giai đoạn năm 2016-2020, 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Song, trong số trên chỉ có 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hoàn thành (đạt 30% kế hoạch). Tổng giá trị vốn nhà nước bán được trong giai đoạn này là 22.748 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Năm 2021 ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cũng trong giai đoạn trên, chỉ có 106 doanh nghiệp thoái vốn theo các quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, với giá trị 6.493 tỷ đồng, đạt 30% về số lượng doanh nghiệp thoái vốn và 11% về giá trị so với kế hoạch. Trong năm 2021 chỉ thoái vốn tại 18 doanh nghiệp, thu về 4.402 tỷ đồng. Bốn tháng đầu năm 2022, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn gần như “đóng băng”. Như vậy, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước không đạt được kế hoạch đề ra.

Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến, nguyên nhân do thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực biến động. Cùng với đó là dịch Covid-19 khiến cho việc cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp gặp khó khăn. Các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết có quy mô lớn, tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai. Về chủ quan, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cơ bản hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGenco 2), Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco 3). Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam, vướng mắc lớn nhất là cơ chế chính sách thay đổi liên tục, thiếu ổn định, khiến doanh nghiệp đang triển khai theo quy định cũ, buộc phải làm lại khi có quy định mới thay thế. Bên cạnh đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp rất khó, đặc biệt là việc đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp vì giá đất biến động khó lường.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) bổ sung, do khó xác định chính xác giá trị doanh nghiệp, cơ chế, chính sách còn nhiều điểm chưa rõ nên các cấp quản lý luôn thận trọng trong việc phê duyệt các phương án cổ phần hóa, bởi lo ngại trách nhiệm nếu kết quả cổ phần hóa không như kỳ vọng.

Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đều hoạt động hiệu quả. Điển hình như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sau khi chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang mô hình công ty cổ phần, từ năm 2012 đến nay, tài sản/nguồn vốn tăng trưởng đều hằng năm. Theo đại diện của doanh nghiệp này, bài học kinh nghiệm trong cổ phần hóa, thoái vốn là phát huy vai trò của cấp ủy, người đứng đầu; đề ra mục tiêu rõ ràng, kế hoạch cụ thể, kèm theo trách nhiệm của các bộ phận liên quan. Đặc biệt, việc lựa chọn đối tác chiến lược phải có mục tiêu, tiêu chuẩn rõ ràng; sau khi cổ phần hóa phải sớm niêm yết trên sàn chứng khoán.

Xử lý vướng mắc về đất đai, tài sản

Để đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ cho rằng, cần có cơ chế phân cấp hợp lý cho các bộ, ngành, địa phương. “Do tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường luôn biến động, việc phân cấp sẽ giúp lựa chọn được phương án, thời điểm cổ phần hóa linh hoạt, đạt kết quả tối ưu”, ông Nguyễn Đức Độ nói. Bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế chính sách về đất đai, điều quan trọng là phải sẵn sàng chấp nhận các quyết định của thị trường khi định giá doanh nghiệp; xây dựng cơ chế đấu giá cạnh tranh, bình đẳng, công khai, minh bạch thông tin của doanh nghiệp nhà nước để thị trường định giá doanh nghiệp chính xác nhất.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính Hà Nội) Nguyễn Xuân Sáng, cần rà soát kỹ, kịp thời xử lý những tồn tại, vướng mắc về đất đai, tài chính, tài sản, công nợ; bảo đảm phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tại địa phương và chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đưa giá trị đất ra khỏi phương án tính giá trị cổ phần hóa không chỉ bảo đảm sự công bằng, tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của doanh nghiệp, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước và thất thoát tài sản công, mà còn giúp đơn giản hóa và đẩy nhanh hơn quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Còn Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến đề xuất, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần bổ sung quy định đối với doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng thuê đất, trả tiền hằng năm; doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải cam kết sử dụng đất đúng mục đích sản xuất, kinh doanh. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng đất phải trả lại đất cho địa phương để đấu giá quyền sử dụng.