Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức sáng nay (22/11) tại Hà Nội.
Tăng trưởng GDP quý 3 rất ấn tượng 13,6% đã tạo đà cho tăng trưởng cả năm nay với dự báo trên 8%, nghĩa là quý cuối cùng của năm chỉ cần đạt mức tăng trưởng trên 6%. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi nhờ 2 yếu tố đóng góp chính cho tăng trưởng là xuất khẩu và tiêu dùng, dịch vụ.
"Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á đang giữ vững vị thế về thương mại toàn cầu, nhờ sức cạnh tranh tốt về xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, công nghệ cao và nông sản. Tuy nhiên Việt Nam cần hướng đến mục tiêu không phải là xuất khẩu bao nhiêu mà là xuất khẩu sản phẩm gì, chất lượng như thế nào", ông Jonathan Pincus, Cố vấn Kinh tế cao cấp, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), nhấn mạnh.
Trước những biến động của kinh tế thế giới, tăng trưởng cuối năm nay và đầu năm sau được dự báo gặp nhiều lực cản mạnh. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Thách thức là rất lớn do biến động về địa chính trị trên thế giới, các chính sách thắt chặt tiền tệ ở các thị trường lớn để chống lạm phát khiến nhu cầu hàng điện tử và may mặc giảm rõ rệt ở hầu hết các thị trường. Do vậy, xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ chững lại đến nửa đầu năm sau.
"Tăng trưởng xuất khẩu trong 9 tháng vừa qua chủ yếu do giá cả tăng, chứ lượng xuất khẩu không tăng nhiều. Chúng ta có kích thích được xuất khẩu hay không tùy vào biến động về tỷ giá, lãi suất. Đây là điểm trong điều hành tỷ giá thời gian tới cần phải để ý để kích thích xuất khẩu để giải tỏa việc tồn kho và trì trệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay", TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá.
Theo các chuyên gia, hiện sản xuất kinh doanh đang gặp khó khi lãi suất tăng và việc tiếp cận nguồn vốn cũng không dễ dàng. Do vậy, chính sách tiền tệ cần phải thận trọng, đảm bảo các ngân hàng có đủ khả năng thanh khoản và có thể nới lỏng tín dụng hơn, ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đóng góp tăng trưởng cho nền kinh tế.