Tăng trưởng xanh – điều kiện tiên quyết duy trì năng lực cạnh tranh nền kinh tế

Tuyết Trang
Tăng trưởng xanh và bền vững không chỉ là một xu hướng tất yếu mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển lâu dài của các nền kinh tế.

Ngày 4/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Việt Nam, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Do đó, việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn bền vững là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam. Việc nắm bắt cơ hội này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các diễn giả, chuyên gia, đại diện các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị xuất khẩu từ sản xuất, tài chính xanh, công nghệ số đến phân phối, logistics đã cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh và xúc tiến xuất khẩu, trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, tiêu chuẩn xanh và các chứng nhận quốc tế, chuyển đổi số trong sản xuất, công nghệ và giải pháp xanh trong logistics để phát triển chuỗi cung ứng bền vững, giải pháp tài chính cho doanh nghiệp đầu tư xanh.

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ

Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro bị loại khỏi các thị trường xuất khẩu quan trọng mà còn tạo cơ hội xây dựng thương hiệu bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và tiếp cận các phân khúc khách hàng cao cấp trên toàn cầu.

Đây là bước đi chiến lược để Việt Nam củng cố vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo: "Lượng phát thải của Việt Nam có xu hướng tăng trong 2 thập kỷ qua, điều này phù hợp với quá trình công nghiệp hóa của đất nước. Dù GDP tăng trưởng cao nhưng phát thải trên đơn vị GDP cũng nhiều hơn, trong khi các nước trong khu vực có chiều hướng đi xuống. Nếu không nhanh chóng cải thiện thực trạng này, sẽ kéo giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu".

Quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa dự kiến cán mốc gần 800 tỷ USD vào cuối năm nay, trong đó xuất khẩu ước đạt 380-390 tỷ USD. Mục tiêu xuất nhập khẩu cán mốc gần 1.000 tỷ USD sẽ không còn xa, khi Việt Nam vẫn đón thêm dòng vốn FDI từ nhiều quốc gia vào lập cứ điểm sản xuất, tận dụng lợi thế từ 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Nhưng song hành với sản xuất, thương mại tăng trưởng nhanh, các doanh nghiệp phải tăng tốc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu đủ tiêu chuẩn thích ứng với các quy định của các quốc gia nhập khẩu.

Đó là đầu tư cho phát triển bền vững, tập trung vào thay đổi quy trình công nghệ, chuyển đổi năng lượng, sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, giảm thiểu ô nhiễm và chất thải, hạn chế khí thải trong các quy trình sản xuất...

Việc thực hiện các chiến lược sản xuất xanh và bền vững sẽ mang tới nhiều lợi thế cho doanh nghiệp, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, thương mại hóa sản phẩm tốt hơn, nhưng doanh nghiệp đang "đau đầu" về nguồn lực cho chuyển đổi để tăng thích ứng với tiêu chuẩn từ các nhà mua hàng toàn cầu.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Andri Meier - Đại sứ quán Thuỵ sĩ tại Việt Nam cho biết, trong bối cảnh thương mại quốc tế đang thay đổi rất nhanh và đối mặt với các thách thức về môi trường, bền vững không phải là lựa chọn hay bắt buộc mà là điều chúng ta cần phải làm càng nhanh càng tốt.

"Hiện nay, khách hàng, doanh nghiệp và Chính phủ đã ưu tiên nhiều hơn với các sản phẩm, dịch vụ, song hành cùng với tính bền vững về mặt xã hội cũng như với môi trường. Chúng ta đang hướng tới việc tăng cường năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp để có thể tăng trưởng bền vững, song hành cùng với nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu" - ông Andri Meier nói.

An Nguyên (t/h)