Tập đoàn CMC: Vay hàng trăm tỷ từ trái phiếu, sử dụng trụ sở CMC Tower làm tài sản đảm bảo

Admin
Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ cho giai đoạn 6 tháng (từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/9/2022) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (HoSe: CMG) cho thấy doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt mức 3.530 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 687 tỷ đồng, tăng 35%.

Trừ đi các chi phí, từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/9/2022, CMC ghi nhận khoản lãi sau thuế 181 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy CMC ghi nhận dòng tiền lưu chuyển âm 52 tỷ đồng. Dù vậy, CMC vẫn ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư lần lượt dương 83 và 34 tỷ đồng.

Trong kỳ, vay ngắn hạn và dài hạn của CMC lần lượt là 707 tỷ đồng và 722 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 2.943 tỷ đồng, tương ứng hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,21.

Dư nợ trái phiếu phát hành trong kỳ là 249 tỷ đồng, trái phiếu phát hành đến hạn trả là 30 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là khoản trái phiếu được CMC phát hành ngày 29/3/2019 cho ngân hàng BIDV, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 8,8%/năm cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên. CMC đã sử dụng toàn bộ tài sản trên đất gắn liền với toà nhà CMC Tower và các quyền sở hữu, lợi ích phát sinh đối với phần vốn góp của CMC tại Công ty TNHH CM Global, Công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC để làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu này.

Xem thêm: Sau mua lại trái phiếu trước hạn, DIC Corp muốn huy động vốn cổ đông để trả lãi trái phiếu Nhóm tài chính đang "miệt mài" mua lại trái phiếu trước hạn Trái phiếu doanh nghiệp: Ai mua, ai bán? Ai cứu, cứu ai?

tap-doan-cmc-1670399739.jpg

Ảnh minh họa.

Trong văn bản công bố thông tin định kỳ về tình hình sử dụng vốn trái phiếu gửi đi ngày 21/11, CMC cho biết đã giải ngân 200 tỷ đồng thu được từ phát hành trái phiếu để đầu tư vào dự án Không gian sáng tạo CMC (quận 7,TPHCM). Số tiền 100 tỷ còn lại được sử dụng để tăng vốn cho hai công ty con là CMC Global và Công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy toàn bộ máy móc, thiết bị, quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trên đất trong tương lai thuộc dự án “Không gian sáng tạo CMC” sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay giá trị 135 tỷ đồng từ ngân hàng, với lãi suất 8,1 – 8,6%/năm. Ngoài ra, CMC còn vay tín chấp 97 tỷ đồng từ Công ty TNHH CMC Đà Nẵng – một công ty con của CMC.

cmc-su-dung-toan-bo-tai-san-tren-dat-gan-lien-voi-toa-nha-cmc-tower-cung-phan-von-gop-tai-cac-cong-ty-con-1670399773.pngCMC sử dụng toàn bộ tài sản trên đất gắn liền với tòa nhà CMC Tower cùng phần vốn góp tại các công ty con để làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu.

Trước đó, hồi tháng 9/2022, CMC đã phát hành tổng cộng hơn 41 triệu cổ phiếu, tổng tỷ lệ 37,62%. Thứ nhất, thực hiện trả cổ tức năm 2021 (tỷ lệ 13%), CMC đã phát hành gần 14,2 triệu cổ phiếu phân phối cho 3.170 cổ đông. Thứ hai, cổ phiếu thưởng phân phối cho cổ đông là 26,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 24,62%).

Tổng giá trị tính theo mệnh giá sau hai đợt phát hành là 410 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của công ty lên 1.500 tỷ đồng. Trong đó cổ đông lớn nhất là Samsung SDS Asia Pacific (30%), Công ty TNHH Đầu tư MVI (13,54%), Tập đoàn Gleximco - Công ty CP (10%), PYN Elite Fund (5,3%); Công ty TNHH Đầu tư Mỹ Linh (4,13%), Tập đoàn Bảo Việt (3,8%)...