Một mùa hiến chương nhà giáo nữa lại về trên quê hương đất Việt. Tôi lặng lẽ lui mình trong những chúc tụng hoan ca về ngày của nghề, để chiêm nghiệm cuốn sách Ước vọng cho học đường - những bài viết về giáo dục. Đây là một tác phẩm với nhan đề khiêm tốn, như chính sự khiêm tốn vốn có của GS. Huỳnh Như Phương trong suốt bao năm qua trên giảng đường, lẫn cuộc sống đời thường.
Cuốn sách “Ước vọng cho học đường - những bài viết về giáo dục” do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành. (Ảnh: Trần Xuân Tiến) |
Thật vậy, trong 20 bài viết mà GS. Huỳnh Như Phương tự nhận chỉ là “những ghi nhận”, “những cảm nghĩ”, những “ước vọng cần được bộc bạch với tất cả sự chân thành” lại chứa đựng những dòng suy tư đầy tâm huyết và trí tuệ của một người thầy (đồng thời là nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục) về những vấn đề trọng điểm, thiết thân của giáo dục Việt Nam ở mọi cấp học, từ bậc phổ thông cho đến cao đẳng, đại học.
Đó là Phương án nào cho sách giáo khoa? Tăng học phí trường phổ thông: Đôi điều nghĩ lại; Nguồn tuyển giáo viên: Thừa hay thiếu? Tuyển sinh đại học: Hiệu quả và tiết kiệm; Những tiếng nói kiểm thảo giáo dục; Vấn đề con người trong trường đại học; Lao động của nhà giáo…
Cuốn sách là góc nhìn của người trong cuộc, với bộn bề những trải nghiệm đầy đủ cung bậc cảm xúc, với nỗi lòng luôn ưu tư, đau đáu cùng nghề, cùng môi trường làm việc cả một đời đã gắn bó.
Đây còn là những bài tuyển, được thầy chọn lọc kỹ càng theo một mạch chủ đề hệ thống từ nhiều bài báo tâm huyết đã đăng vào những năm đầu thế kỷ XXI đến nay trên các báo Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Người Lao động, Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh…
Đọc trọn vẹn cuốn sách, trọn vẹn những “ước vọng cho học đường”, chúng ta phần nào thấy được quan điểm, tư tưởng của thầy về triết lý giáo dục, phần nào thấy được cái tâm, cái tầm của một nhà giáo luôn trăn trở về nghề, luôn nặng tình với giáo dục.
Một điều mà độc giả hẳn sẽ rất trân quý khi đọc quyển sách này, và cũng là điều mà các thế hệ học trò luôn ngưỡng mộ, học hỏi từ thầy, chính là thái độ phản biện chừng mực, điềm tĩnh, hợp lẽ hợp tình.
Bàn thảo về giáo dục - một vấn đề luôn nóng trong sự quan tâm của dư luận xã hội, có lẽ, chúng ta thường bắt gặp những lối viết sắc cạnh, gai góc, đôi khi có phần gay gắt, cực đoan.
Điều đó, cũng có điểm hay, dự phần vào tiếng nói mạnh mẽ hầu mong đổi mới giáo dục một cách quyết liệt. Song, chỉ ra những muộn phiền, phê phán những điều chưa hay thì dễ, còn giữ được thái độ chừng mực, thuyết phục, và đề xuất những giải pháp sáng rõ, khả dĩ, điều đó mới thật là quan trọng.
Thế nên, ở mỗi bài viết, người đọc đều có thể thu nhận được từ thầy các giải pháp giáo dục cụ thể, mang tính khoa học, vừa lý thuyết vừa thực tiễn.
Đáng chú ý, có bài viết, dù đã ra đời cách đây nhiều năm, nhưng những ý tưởng mà thầy đưa ra đang được phần nào triển khai trong thực tiễn đổi mới giáo dục. Điều đó rõ ràng cho thấy khả năng nhận định, phân tích, tầm nhìn của thầy về giáo dục.
Thiết nghĩ, cuốn sách thực sự là vốn quý để các nhà quản lý, quản trị giáo dục từ bậc phổ thông đến cao đẳng, đại học tham khảo.
“Từ chỗ đứng của một nhà giáo ở cơ sở, tôi không có được cái nhìn toàn cảnh về thực trạng và cũng không có khả năng đưa ra những giải pháp căn bản cho giáo dục. Đây chẳng qua là những gợi ý và nhất là, như tên gọi của cuốn sách, những ước vọng của một người bày tỏ từ sân trường, từ bục giảng, về tương lai của nền giáo dục nước nhà. Những ước vọng này có thể sẽ mãi là ước vọng, nhưng thiết nghĩ, vẫn cần được bộc bạch với tất cả sự chân thành”, GS. Huỳnh Như Phương. |