Thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ

Kỳ Văn
Gần 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trên cơ sở mục tiêu bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội đã gây ra những thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ.

Ngành Ngân hàng đang triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á. Ảnh: Nguyễn Quang

Những tác động tiêu cực

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế. Để ứng phó với nợ xấu, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn khiến năng lực tài chính bị suy giảm và điều này tất yếu ảnh hưởng tới khả năng hỗ trợ doanh nghiệp của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, rủi ro tài chính là không nhỏ, áp lực lạm phát năm 2021 cũng lớn hơn so với năm 2020, nên điều hành chính sách tiền tệ cũng cần cẩn trọng. “Nếu nới lỏng quá sẽ dễ làm tăng rủi ro tài chính và tạo áp lực đến lạm phát, mà chặt quá thì quá trình phục hồi kinh tế có thể không đạt kế hoạch”, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, áp lực rủi ro lạm phát đến từ cả trong và ngoài nước. Xu hướng lạm phát tăng nhanh trên thế giới khi nhiều quốc gia áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, nên áp lực điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới nhìn từ tác động bên ngoài vào là rất lớn. Cùng với đó, các nền kinh tế của thế giới dần phục hồi, kéo theo giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng gia tăng, đặc biệt là mặt hàng xăng, dầu. Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/tổng sản phẩm nội địa là 200% nên chịu áp lực rủi ro của “lạm phát nhập khẩu”.

Đối với trong nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng cũng gây ra áp lực trong điều hành, vì nếu để tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng bị suy giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả và an toàn của hệ thống. Việc hỗ trợ lãi suất cũng phải tính toán cẩn thận để tránh rủi ro lạm phát, như trong giai đoạn năm 2008-2011 có thời điểm lạm phát lên tới 18%.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), năm 2021, chi phí, giá cả hàng hóa chưa thể tăng ngay, do sức cầu còn yếu. Chỉ số giá bình quân cả năm 2021 dự báo chỉ ở mức 2,3-2,5%. Tuy nhiên năm 2022, với đà phục hồi của nền kinh tế, dự báo lạm phát sẽ tăng cao hơn.

Tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn hợp lý, bởi dù lạm phát trong nước vẫn đang được kiểm soát, nhưng áp lực là rất lớn. Trong khi đó dư địa của chính sách tiền tệ ngày càng bị thu hẹp sau nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây nên khó có thể giảm thêm. Hiện, ngành Ngân hàng vẫn đang triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Song, cũng như các quốc gia khác, chính sách tiền tệ sẽ phải thắt chặt, với mục tiêu bảo đảm ổn định vĩ mô không gây tác động tiêu cực tới sản xuất.

Chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11-2021 thảo luận về dự thảo Đề án chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 và dự thảo Đề án chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác, diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chính sách tiền tệ phải gắn kết, bổ trợ với chính sách tài khóa nhằm bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, không để xảy ra lạm phát.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với dư địa chính sách tiền tệ, có 2 nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, hệ thống các tổ chức tín dụng phải bảo đảm an toàn. Chính vì vậy, việc xem xét các giải pháp chính sách phải luôn đạt được hai nhiệm vụ trên, đồng thời phải bảo đảm các cân đối lớn của vĩ mô như nợ công, bội chi ngân sách.

Để xác định dư địa hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá thực trạng hoạt động tiền tệ ngân hàng cũng như kinh tế vĩ mô, cho thấy năm 2021, khả năng chỉ tiêu lạm phát dưới 4% là có thể đạt được vì đến hết tháng 10, lạm phát chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, liều lượng hợp lý. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất nhưng vẫn phải bảo đảm tỷ lệ an toàn của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống.