“Vua mía đường” đi làm năng lượng
Ông Đặng Văn Thành (SN 1960), ông sinh ra và lớn lên tại TP.HCM trong một gia đình gốc Hoa. Nhắc đến ông, người ta thường nhớ đến mệnh danh “vua mía đường” của Việt Nam. Ông Thành hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group). Giống như tên gọi của nó, Thành Thành Công hiện nay đã là một tập đoàn vững mạnh.
Ông Đặng Văn Thành bước chân vào thương trường từ rất sớm, khi chưa đầy 20 tuổi. Vào năm 1979, công việc khởi nghiệp đầu tiên của ông là kinh doanh mật rỉ, đường cát, thực phẩm công nghệ, sản xuất kinh doanh tại TP.HCM. Hồi đó, công ty chỉ có vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 nhân viên.
Năm 1999, chuyển đổi thành công ty TNHH TM - SX Thành Thành Công. Sau nhiều lần điều chỉnh, vốn điều lệ của công ty đã tăng lên mức 3.000 tỷ đồng vào năm 2011, công ty được đổi tên thành tập đoàn Thành Thành Công.
Sau đó, ông rẽ hướng sang lĩnh vực tài chính tín dụng với việc xây dựng ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ngân hàng này được thành lập vào năm 1991 với số vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Dưới sự lãnh đạo của ông Đặng Văn Thành, ngân hàng không ngừng phát triển đạt số vốn điều lệ lên đến 10.739 tỷ đồng, tổng tài sản sở hữu 144.925 tỷ đồng.
Đến năm 2006, ngân hàng Sacombank chính thức niêm yết cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán TP.HCM với mã giao dịch là STB. Tuy nhiên, do nhiều biến động từ kinh tế, thị trường, giờ đây Sacombank đã không còn thuộc quyền sở hữu và điều hành của ông Đặng Văn Thành.
Kể từ đó, ông dành hết tâm tư của mình tập trung vào TTC Group, đặc biệt là lĩnh vực mía đường – ngành kinh doanh thế mạnh của doanh nghiệp. Ông quyết định thu mua 2 nhà máy đường của nhà đầu tư Pháp là Bourbon Tây Ninh và Bourbon Gia Lai.
Mỗi năm Thành Thành Công có khoảng 1,6 - 1,7 triệu tấn đường được sản xuất. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 1,5 triệu tấn, xuất khẩu 200.000 tấn. Những thành tựu ấn tượng này đã biến Thành Thành Công là “ông trùm” trong ngành đường Việt Nam khi trở thành nhà cung cấp đường cho hàng loạt các “ông lớn” trong ngành giải khát, bánh kẹo như Pepsi, Vinamilk, Kinh Đô, Tân Hiệp Phát,…
Đến nay, Thành Thành Công có 4 tổng công ty, 1 Ủy ban ngành và hơn 120 đơn vị trực thuộc hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là nông nghiệp, năng lượng, bất động sản, du lịch.
Nhắc đến lĩnh vực năng lượng, nhất là điện mặt trời, ông Đặng Văn Thành thể hiện sự tham vọng, sẵn sàng “rót tiền” khi chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực này. Thời điểm năm 2017, chưa đầy 1 tháng sau Quyết định 11 về cơ chế ưu đãi dành cho các dự án điện mặt trời được Chính phủ ban hành, ông Thành đã tuyên bố sẽ chi 1 tỷ USD vào lĩnh vực này trong 2 năm đầu tiên tham gia.
Điểm mặt các dự án điện mặt trời của TTC
Mảng năng lượng, Thành Thành Công hiện có 5 công ty thành viên bao gồm Điện Gia Lai, TTC Energy, TTC Solar Farm, TTC Wind Farm và TTC Hydropower Plant. Đến nay, doanh nghiệp này đã xây dựng 7 nhà máy điện mặt trời được vận hành chuyên nghiệp cùng 200 công trình điện mặt trời áp mái trải dài khắp cả nước và các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia,…
Ngược về quá khứ, tháng 10/2018, nhà máy điện mặt trời đầu tiên của Thành Thành Công là dự án điện mặt trời TTC Phong Điền do Điện Gia Lai làm chủ đầu tư được khánh thành. Dự án được xây dựng trên khu đất 45 ha, có công suất 35 MW, phát điện với sản lượng khoảng 60 triệu kWh/năm với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Đến tháng 11/2018, Điện Gia Lai cũng đã chính thức đưa nhà máy điện mặt trời TTC Krông Pa tại tỉnh Gia Lai đi vào hoạt động. Dự án có công suất 49 MW, tổng vốn đầu tư trên 1.406 tỷ đồng.
Năm 2019 là năm đỉnh điểm của tập đoàn này khi cùng lúc có thêm 5 dự án nhà máy điện mặt trời chính thức hoà lưới điện quốc gia.
Cụ thể, nhà máy điện mặt trời TTC 01 và TTC 02 đều do Thành Thành Công và tập đoàn Gulf (Thái Lan) liên doanh góp vốn thực hiện. Trong đó, TTC 01 được xây dựng trên diện tích 69.5 ha tại KCN Thành Thành Công thuộc ấp An Hội, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh trong đó diện tích để lắp đặt hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời là 42.53 ha, công suất 68.8 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Nằm liền kề là dự án TTC 02 với quy mô 50 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.
Thời điểm hợp tác đầu tư, tập đoàn Gulf sở hữu 49% vốn, nhưng trong lần thay đổi gần nhất, Gulf đã tăng mức nắm giữ lên 90%.
Tiếp theo là nhà máy điện mặt trời TTC Đức Huệ 1, tỉnh Long An. Dự án có diện tích 51 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Khi đưa vào sử dụng, nhà máy có công suất 49MW.
Nhà máy điện mặt trời TTC Hàm Phú 2. Nhà máy có vị trí tọa lạc tỉnh Bình Thuận, được xây dựng trên khu đất có diện tích 54,2 ha với quy mô 49 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.017 tỷ đồng.
Dự án điện mặt trời thứ 5 trong năm 2019 của Thành Thành Công hoà lưới điện quốc gia là nhà máy điện mặt trời Trúc Sơn với công suất 44,4 MW. Dự án được triển khai trên diện tích đất 50 ha tại tỉnh Đăk Nông với tổng đầu tư 843 tỷ đồng.
Với những dự án điện mặt trời nói trên, đoàn Thành Thành Công sở hữu 5 dự án với tổng công suất gần 350 MW, với tổng vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng.
“Đãi vàng” từ mặt trời
Trong số 5 công ty thành viên mảng năng lượng, công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC, mã chứng khoán: GEG) đóng vai trò chủ lực mảng điện mặt trời, đóng góp phần lớn doanh thu, lợi nhuận đáng kể cho tập đoàn Thành Thành Công trong những năm gần đây. Các dự án mà công ty này làm chủ đầu tư chiếm 4/5 tổng dự án mà Thành Thành Công sở hữu như: TTC Phong Điền, TTC Krông Pa, ĐMT Trúc Sơn, TTC Hàm Phú 2.
Trong năm 2020, công ty Cổ phần Điện Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần 1.493 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động bán điện vẫn là chủ lực khi chiếm tỷ trọng lớn nhất với 84% đạt 1.249 tỷ đồng.
Tổng sản lượng điện thương phẩm trong năm đạt 720 triệu kWh, tăng 22% so với cùng kỳ, trong đó điện mặt trời vẫn chiếm ưu thế với 55% tương đương 400 triệu kWh từ 4 nhà máy điện mặt trời. Điện mặt trời vẫn tiếp tục duy trì đà tăng so với tỷ trọng 52% của cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh doanh thu tăng trưởng mạnh, giá vốn cũng ghi nhận tăng, riêng mức khấu hao tăng 24% so với cùng kỳ do ghi nhận khấu hao nguyên năm của các nhà máy điện mặt trời đóng điện trong năm 2019. Lợi nhuận gộp tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 16% so với năm 2019, đạt 756 tỷ đồng.
Chi phí lãi vay của doanh nghiệp này tăng mạnh 43% do đang trong giai đoạn gấp rút đầu tư vào các dự án điện gió công suất 130 MW để kịp đóng điện trước tháng 11/ 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 309 tỷ đồng.
Cuối năm 2020, tổng tài sản của Điện Gia Lai đạt 7.768 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu kỳ. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh 29% đạt 135 tỷ đồng, đảm bảo các chỉ số thanh toán trong ngắn hạn. Tổng nợ vay cuối năm 2020 giảm nhẹ so với đầu năm ghi nhận 3.800 tỷ đồng.
Công ty này cũng đã hoàn thành việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 với tỷ lệ 8% và phát hành chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1. Tổng số lượng chứng khoán sau khi thay đổi niêm yết là 271.175.188 cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ 2.712 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu kỳ.
Có thể thấy, với tham vọng “kiếm lời từ ánh dương”, ông Đặng Văn Thành đã sớm đạt được những kết quả tích cực nhờ từ các dự án điện mặt trời.