Tháo gỡ những phiền hà khi làm thủ tục xuất nhập khẩu
Tại Hội nghị trực tuyến “Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua COVID-19” diễn ra vào sáng 30/11, ông Hoàng Đình Trung, Phó Vụ trưởng - Phó Trưởng ban cải cách hiện đại hóa hải quan (thuộc Tổng cục Hải quan) cho biết, hiện nay, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) chiếm đến 94% tổng số doanh nghiệp và đóng góp khoảng 40% GDP; 33% giá trị sản xuất công nghiệp; 30% giá trị xuất khẩu hàng hóa; thu hút 50% lực lượng lao động cả nước đang phải chịu sự tác động nhiều nhất do dịch bệnh.
Cũng theo ông Trung, khó khăn lớn của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị suy giảm. Thị trường tiêu thụ và các vấn đề khác hiện đang chịu nhiều tác động tiêu cực. Nhiều dự báo trong giai đoạn tới đây chưa thể khắc phục được ngay. Từ đó, ông Trung cũng cho biết, ngành Hải quan mong muốn đồng hành, tháo gỡ tối đa những khó khăn vướng mắc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam.
Phó Chủ tịch VINASME ông Phạm Huy Hùng chia sẻ, trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 thời gian vừa qua, cộng đồng DNVVN Việt Nam chưa bao giờ làm công tác hỗ trợ doanh nghiệp mà phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.
Theo ông Hùng, hiện nay đa phần doanh nghiệp nào cũng cần được hỗ trợ từ tiêm vaccine, giảm thuế, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng lãi suất thấp và thủ tục hải quan… là những vấn đề, những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và chi phí của doanh nghiệp.
Với sứ mệnh hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng DNNVV, ông Hùng cho rằng, để thúc đẩy việc xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp được khơi thông trước hết cần phải giảm thời gian thông quan, giảm thời gian lưu kho, lưu bãi từ đó giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Từ đó, VINASME hy vọng đại diện các đơn vị hải quan và các doanh nghiệp tham gia sẽ có tiếng nói chung, cùng nhau bàn bạc để cùng tìm phương án, giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề đang tồn tại và gây các phiền hà cho doanh nhiệp trong quá trình xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp nói có, lãnh đạo Cục Hải quan khẳng định việc phân luồng xanh, vàng, đỏ gần như không có kẽ hở nào.
Có hay không kẽ hở trong phân luồng xanh, vàng, đỏ?
Tại hội nghị, nhiều vấn đề khó khăn của doanh nghiệp được đưa ra và đã được đại diện phía Tổng cục Hải quan giải đáp cũng như có những hướng dẫn hỗ trợ xử lý nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, trước vấn đề về việc phân luồng đối với các sản phẩm nhập khẩu, đại diện DNVVN cho biết, việc phân luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ đang là kẽ hở để nhân viên hải quan phát sinh tiêu cực. Việc kiểm tra, đánh giá mức độ uy tín của doanh nghiệp cần có các tiêu chí khách quan, minh bạch hơn, tránh để bị nhân viên lợi dụng tạo hình ảnh rất xấu cho hải quan trong con mắt doanh nghiệp.
Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro cho biết, từ vấn đề DN nêu ra ở trên có thể khẳng định doanh nghiệp hiện vẫn chưa nắm rõ nguyên tắc phân luồng của cơ quan hải quan. Theo ông Quang, nguyên tắc phân luồng của hải quan, đã trình Bộ Tài chính ký tại Thông tư 81 ngày 15/11/2019 quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý của hải quan.
"Trước khi đưa ra Thông tư 81, đơn vị đã có gần 2 năm lấy ý kiến doanh nghiệp để hoàn thiện. Vì vậy, thông tư luôn thể hiện tính khách quan, minh bạch và không cán bộ công chức hải quan nào có thể đưa tay làm sai lệch số liệu trên hệ thống hải quan. Vì vậy, việc phân luồng xanh, vàng, đỏ gần như không có kẽ hở nào", ông Quang khẳng định.
Nói về vấn đề tiêu cực khi làm các dịch vụ hải quan và giao vận hàng hóa, đại diện cho phía doanh nghiệp, bà Trâm Tạ, Tổng Giám đốc Trâm Tạ Company cho biết, đối với các tình trạng các bên dịch vụ gây khó dễ hoặc đưa ra các vấn đề tiêu cực thì doanh nghiệp nên tỉnh táo để đưa ra quyết định của mình. Nếu như doanh nghiệp không làm sai thì không cần phải quá lo lắng, căng thẳng trong việc làm các thủ tục hải quan.
Lấy dẫn chứng từ ngay chính doanh nghiệp của mình, bà Trâm cho biết, trong quá trình nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp của bà cũng đã từng gặp phải những trường hợp như vậy. Một số bên dịch vụ nói rằng hàng của công ty bà phải đi vào luồng đỏ. Nếu như chi thêm các chi phí ngoài thì sẽ đỡ gặp phải các thủ tục như tham vấn giá hay các dịch vụ bên ngoài nữa.
Sau khi tham khảo các doanh nghiệp cùng ngành khác thì trong lần gần đây nhất, khi gặp phải tình trạng đó, bà đã nói thẳng với phía làm dịch vụ là chấp nhận chờ, hàng hóa có phải đi vào luồng đỏ cũng chờ vì không vội về hàng. Sau đó thì hàng của bà vẫn được ra như bình thường và không phải mất thêm chi phí gì cả vì hàng hóa và các giấy tờ pháp lý về sản phẩm nhập khẩu đều đảm bảo.
Từ những kinh nghiệm bản thân, bà Trâm cho rằng doanh nghiệp cần phải có sự cứng rắn, phải lựa chọn con đường đi đúng, các thủ tục và các giấy tờ pháp lý phải chuẩn chỉnh, đảm bảo thì sẽ không sợ những vấn đề trên xảy ra.