Dấu hiệu bệnh thận

Tuyết Trang
Bệnh thận thường có diễn tiến âm thầm nên người bệnh khó phát hiện bệnh sớm cho tới khi đã đến giai đoạn nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh cũng có một vài dấu hiệu cảnh báo thận có vấn đề cần đi kiểm tra ngay.

Thận có vai trò lọc máu, giúp cân bằng điện giải, cân bằng nội môi, điều hòa áp suất thẩm thấu, chuyển hóa trong cơ thể. Thận còn là "nhà máy" đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể.

Một khi thận suy yếu, khả năng thanh lọc và đào thải kém, thì chất độc tích tụ trong người, rối loạn điện giải, rối loạn toàn bộ hoạt động của các cơ quan tuần hoàn, tiêu hóa, hô hấp… thậm chí đe dọa sự sống của cơ thể.

Bệnh thận nói chung hay suy thận nói riêng là bệnh diễn ra âm thầm nhưng rất nguy hiểm, các dấu hiệu của bệnh do đó cũng rất khó nhận diện. Đa phần những dấu hiệu bị bệnh thận khi thể hiện rõ rệt thì người bệnh mới phát hiện ra. Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu suy thận, thận yếu, thận hư thường gặp là:

Thay đổi thói quen đi tiểu

Thận khỏe mạnh giúp cơ thể giữ nước vào ban đêm. Khi thận suy yếu, khả năng cô đặc nước tiểu giảm, dẫn đến việc bạn phải thức dậy nhiều lần để đi tiểu, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Lượng nước tiểu thay đổi đột ngột, tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường cũng có thể là dấu hiệu của suy thận hoặc các bệnh lý khác về đường tiết niệu.

Nếu bạn cảm thấy buốt, rát khi đi tiểu, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, có thể lan lên thận gây viêm thận, suy thận nếu không được điều trị kịp thời. Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt. Nếu nước tiểu có bọt, có máu, đục hoặc chuyển sang màu sẫm, bạn cần đi khám ngay để kiểm tra chức năng thận.

Thường xuyên mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và mất tập trung

Thấy cơ thể có 7 dấu hiệu này, đi khám thận ngay kẻo muộn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thận khỏe mạnh tạo ra một hormon gọi là erythropoietin. Hormon này giúp cho cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu mang ôxy. Khi thận bị hỏng, chúng tạo ra ít erythropoietin hơn, cơ thể có ít các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy hơn. Các cơ và đầu óc cũng vì thế mà mệt đi nhanh chóng.

Thiếu máu khiến não không được cung cấp đủ ôxy. Điều này có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, gây mất tập trung, hoa mắt và chóng mặt.

Hơi thở có mùi amoniac

Thận có chức năng loại bỏ các chất độc hại trong máu qua đường nước tiểu. Khi bệnh nhân bị suy thận, thận sẽ không còn khả năng lọc các chất thải và chất độc ra khỏi máu, tích tụ lâu ngày trong cơ thể, gây ảnh hưởng gần như tất cả các bộ phận của cơ thể. Hơi thở có mùi có thể xuất hiện khi bệnh suy thận làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

Thường xuyên mẩn ngứa

Do tích tụ chất thải trong máu nên da có thể bị kích thích dẫn đến tình trạng ngứa, thậm chí phát ban. Nếu thử dùng các loại kem dưỡng mà không thấy da được phục hồi thì bạn cần nghĩ ngay đến vấn đề xuất phát từ bên trong. Khi đó, bạn hãy đi khám để được chẩn đoán chính xác nhất.

Phù nề

Phù nề là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều chất lỏng trong các mô, khiến cho các bộ phận như chân, mắt cá chân, bàn tay hoặc khuôn mặt sưng lên. Thận đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Khi chức năng thận bị suy yếu do bệnh tật, chấn thương hoặc các yếu tố khác sẽ không thể loại bỏ hiệu quả lượng nước dư thừa. Kết quả là chất lỏng bắt đầu tích tụ trong các mô, gây ra hiện tượng phù nề.

Phù nề không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến thận. Ngoài ra, phù nề kéo dài cũng có thể gây ra khó chịu, đau nhức, ảnh hưởng đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống.

Đau lưng

Thấy cơ thể có 7 dấu hiệu này, đi khám thận ngay kẻo muộn- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Đau lưng, đặc biệt là vùng thắt lưng hoặc hai bên sườn, thường là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm của các bệnh lý về thận. Cơn đau có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức, từ âm ỉ, tức nặng đến đau quặn thắt dữ dội.

Đau lưng do bệnh thận thường kèm theo các triệu chứng khác như sốt, buồn nôn, nôn, tiểu ra máu, tiểu đau, hoặc thay đổi màu sắc nước tiểu. Các bệnh lý về thận có thể gây ra đau lưng bao gồm sỏi thận, viêm thận cấp hoặc mãn tính, nang thận và thậm chí là ung thư thận. Đau có thể lan xuống bẹn, bụng dưới hoặc lan tỏa ra một bên lưng, tùy thuộc vào vị trí của tổn thương.

Biểu hiện thở nông, khó thở

Đó là do chất lỏng dư thừa trong cơ thể tích tụ trong hai lá phổi kèm theo tình trạng thiếu máu (sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy) sinh ra chứng thở nông.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận và mỗi năm, bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5 - 10 triệu người trên toàn thế giới. Đáng chú ý, những con số này được dự đoán sẽ ngày một tăng cao.

Ước tính đến năm 2030, có đến 5,2 triệu người mắc bệnh thận và cần được chạy thận nhân tạo. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm.

Nguy cơ bị bệnh thận có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào từ trẻ em, thanh thiếu niên, trung niên đến người lớn tuổi mà không phân biệt giới tính nam hay nữ. Những bệnh lý về thận thường gặp hiện nay bao gồm sỏi thận, viêm cầu thận, suy thận cấp - mạn tính, ung thư thận... Trong đó, suy thận cấp và mạn tính là hai tình trạng rất phổ biến, do biến chứng từ nhiều bệnh lý khác. Do vậy, người bệnh phải thăm khám định kỳ, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết, tuân thủ các chỉ định của bác sĩ điều trị, và cần hết sức chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, duy trì lối sống lành mạnh.

Minh Hoa (t/h)