Thấy gì ở lợi nhuận "mong manh" của nhiều doanh nghiệp thuộc Trung Nam Group?

Kỳ Văn
Doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, song nhiều công ty thuộc Trung Nam Group chỉ có mức lợi nhuận mang tính tượng trưng.

Trung Nam Group đang nổi lên gần đây như một hiện tượng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tập đoàn này thực tế là một công ty đa ngành đã nổi danh trong nhiều lĩnh vực khác.

Ngoài năng lượng, Trung Nam còn là chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản và nhà thầu có tiếng tăm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng.

Trải qua hơn 16 năm hoạt động, tập đoàn này đã xây dựng “hệ sinh thái” lên đến hàng chục công ty thành viên, mở rộng quy mô hoạt động trải dài từ Bắc vào Nam.

Hệ sinh thái đa ngành với doanh thu cao ngất ngưởng nhưng lợi nhuận lại khiêm tốn

Trong đó, vai trò hạt nhân là CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group), doanh nghiệp được thành lập vào tháng 11/2004, trụ sở chính hiện đặt tại số 7A/68 Thành Thái, quận 10, TP. HCM (Toà nhà Trung Nam). Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tâm Thịnh (sinh năm 1973).

Ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Trungnam Group. Nguồn: Trungnam Group

Năm 2019, Trung Nam Group ghi nhận doanh thu lên tới gần 6.500 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức khiêm tốn 124 tỉ. Nói cách khác, cứ 100 đồng doanh thu, Trung Nam Group chỉ thu lời chưa đến 2 đồng. Nguyên nhận chính do biên lợi nhuận gộp của Trung Nam Group không cao, chỉ từ 6% - 7%.

Biên lợi nhuận thấp cũng là lý do nhiều doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Trung Nam, dù doanh thu cao đột biến, nhưng khoản lãi chỉ mang tính tượng trưng. Một trong số đó là xây lắp.

Năm ngoái công ty thành viên là Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C) đem về doanh thu 9.240 tỉ đồng, gấp gần 4 lần năm 2018. Tuy nhiên, như Trung Nam Group, biên lãi gộp mỏng manh chỉ 0,3% khiến lãi ròng của Trung Nam E&C chỉ ở mức tượng trưng 2 tỉ đồng.

Trung Nam E&C là nhà thầu chính của nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, trong số này không ít là của chính Trung Nam Group. Đơn cử như tổ hợp dự án ngăn triều cường trên sông tại TP HCM vốn đầu tư 10.000 tỉ hay các dự án năng lượng tái tạo như điện gió – điện mặt trời – thủy điện; hay cả các dự án bất động sản.

Ngoài việc phục vụ cho hệ sinh thái công ty mẹ, Trung Nam E&C còn nhận được một số dự án lớn như là nhà thầu thi công hệ thống móng cọc nhồi, kết cấu mố trụ và hệ dây văng thép tại dự án cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng – Quảng Ninh giá trị gần 1.400 tỉ đồng hay Đường vành đai 2 trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở (Hà Nội) của Tập đoàn Vingroup.

Tuy nhiên, nếu xét tỉ trọng, dự án từ chính hệ sinh thái Trung Nam mới là nguồn thu chính và có thể cũng vì lý do này khiến Trung Nam E&C có hiệu quả sinh lời thấp.

“Long đong lận đận” khi lấn sân sang bất động sản

Trong lĩnh vực bất động sản, CTCP Trung Nam (Trung Nam Land) là cái tên đáng chú ý. Trung Nam Group gắn với ba siêu dự án lớn đó là: dự án khu công viên văn hóa đô thị Đà Lạt có vốn đầu tư 150 triệu USD tại Đà Lạt, Dự án Dự án Golden Hills có tổng vốn đầu tư 1,67 tỉ USD và Dự án tháp đôi cao nhất Miền Trung 180 triệu USD tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, dường như Trung Nam không có duyên với lĩnh vực BĐS khi những dự án được giới thiệu hoành tráng một thời thường rơi vào cảnh “long đong lận đận”.

Dự án đình đám nhất phải kể đến là Golden Hills Đà Nẵng quy mô 381 ha, chia làm 5 phân khu, tổng mức đầu tư 1,67 tỉ USD, tương đương 38.000 tỉ đồng và được khởi công xây dựng từ năm 2011. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong phần thô và đi vào hoàn thiện thì những hạng mục còn lại của dự án lại đình trệ suốt nhiều năm. Điều này khiến cho dự án Golden Hills City liên tục lỗi hẹn về tiến độ.


Dự án Golden Hills Đà Nẵng. Nguồn: TL

Vào giữa năm 2017, để hồi sinh dự án này, Trung Nam Land đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh với Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội (Thịnh Phát Hà Nội).

Đến tháng 7/2019, UBND quận Liên Chiểu đã ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với Trung Nam Land vì hành vi xây dựng dự án Golden Hills City (Khu D2) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND Tp. Đà Nẵng rà soát, kiểm tra cụ thể 800 lô đất tại khu vực có diện tích 12,77ha ở khu B và C thuộc dự án Golden Hills City của Trung Nam Group.

Được biết, tháng 2/2019, dự án Golden Hills City có thêm Kita Land (thuộc Kita Group) tham gia đồng đầu tư và Công ty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ (CenLand) độc quyền phân phối.

Từ tháng 3/2019, Kita Land đã tiến hành ký hợp đồng với các nhà đầu tư cá nhân những lô bất động sản sẽ hình thành trong tương lai thuộc dự án Golden Hills dưới hình thức ký cùng lúc 02 hợp đồng với khách hàng gồm: Hợp đồng vay vốn của các chủ đầu tư cá nhân và hợp đồng cam kết giữ chỗ nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, sau đó, Kita Land lại bị tố vi phạm hợp đồng, vòng vo không giải quyết yêu cầu thanh lý hợp đồng, hoàn trả tiền cho khách hàng.

Tại Đà Nẵng, Trung Nam Group còn gặp một loạt lùm xùm khi năm 2008, doanh nghiệp này và một số đối tác khác đã công bố sẽ xây dựng tòa tháp đôi với tổng mức đầu tư 180 triệu USD tại Đà Nẵng với tham vọng xây dựng theo mô hình “thung lũng silicon” của Mỹ, đạt tiêu chuẩn của một khu công nghệ thông tin mang tầm cỡ quốc tế.

Tuy nhiên, mãi đến năm 2014, dự án này vẫn chỉ là bãi đất hoang, trong khi Trung Nam Group đã chuyển toàn bộ cổ phần của mình tại dự án này cho đối tác khác, bỏ lại sau lưng những lời hứa hẹn. Đến nay, dự án này đã “treo” hơn 10 năm. Phía UBND TP Đà Nẵng đang muốn thu hồi đất của siêu dự án để xây dựng khu vườn dạo.

Từng có thời điểm Trung Nam Group và chính quyền Đà Nẵng xảy ra xích mích. Bởi lẽ, Trung Nam Group từng khởi kiện đòi UBND TP. Đà Nẵng hơn 2.000 tỉ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ việc UBND TP. Đà Nẵng công bố danh sách các doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, trong đó cho biết Trung Nam Group nợ gần 300 tỉ đồng tiền thuê đất tại dự án Golden Hills City và dự án Vệt 50m.

Chật vật suốt khoảng thời gian để có vốn, đầu tháng 11/2020, Trung Nam Land cho biết đã huy động thành công 2.500 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Trong nửa đầu năm trước, công ty này cũng thu về 2.000 tỉ đồng cũng từ việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Điều này có nghĩa, Trung Nam Land đã nắm trong tay nguồn tiền mặt đáng kể để có thể thực hiện những kế hoạch của mình.

Trong giai đoạn trước năm 2020, kết quả kinh doanh của Trung Nam Land ở mức khá khiêm tốn so với Trung Nam Group và Trung Nam E&C khi doanh thu vài trăm tỉ đồng, lợi nhuận chỉ vài chục tỉ đồng.

Một đơn vị khác, Trung Nam Đà Lạt Land chủ đầu tư dự án Golf Valley gần 20 ha kinh doanh bất động sản cao cấp. Kết quả kinh doanh của công ty này chủ yếu được ghi nhận trong giai đoạn 2017 – 2018 với tổng doanh thu gần 1.060 tỉ đồng, lãi ròng 151 tỉ đồng.