Thị trường Bắc Âu còn nhiều dư địa cho cà phê Việt Nam

Kỳ Văn
Theo quy định trong EVFTA, thuế đối với cà phê nhân - mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu bằng 0%, giúp cho cà phê Việt Nam có giá cạnh tranh.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, từ trước tới nay các nước Bắc Âu nhập khẩu chủ yếu cà phê Arabica, nhưng theo phân tích của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), mặt hàng cà phê nhân chưa rang, chưa khử caffein của Việt Nam vẫn còn dư địa để khai thác tại thị trường này.

Cơ hội lớn cho cà phê Việt Nam là cà phê đặc sản và cà phê hữu cơ vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Một cơ hội nữa là Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong đó thuế đối với cà phê nhân - mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu bằng 0%, giúp cho cà phê Việt Nam có giá cạnh tranh.

Thời gian qua, cà phê Robusta chiếm khoảng 95% cà phê xuất khẩu từ Việt Nam. Trong khi thị trường Bắc Âu hướng tới cà phê chất lượng cao, nên nhập khẩu chủ yếu cà phê Arabica và nhập khẩu cà phê Robusta với số lượng thấp.

Mặt khác, thị trường Bắc Âu rất quan tâm đến vấn đề sản xuất bền vững. Việt Nam lại là thị trường nhỏ, việc nhập khẩu cà phê lại tập trung chủ yếu vào một số doanh nghiệp (DN) lớn, trong khi các DN Bắc Âu khi đã nhập khẩu quen và tin tưởng bạn hàng sẽ rất khó thay đổi.

Một thách thức nữa là thị trường Bắc Âu có đặc điểm là địa lý xa xôi, dân số ít, đơn hàng nhỏ, nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe nhất trong các nước châu Âu khác, cũng làm cho DN xuất khẩu của Việt Nam không mặn mà.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, để có điều kiện thuận lợi khi xuất khẩu vào Bắc Âu, các DN Việt Nam cần lưu ý ngoài việc cung cấp đúng sản phẩm còn phải tuân thủ rất nhiều các qui định của thị trường. Để tránh nguy cơ bị trả lại hoặc bị từ chối tiếp cận thị trường châu Âu, các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam nên gửi các sản phẩm xuất khẩu để phân tích các chất cấm tại các cơ quan có thẩm quyền (ví dụ như Vinacontrol và Cafecontrol).

Các nguy cơ vượt ngưỡng các chất cấm có thể được ngăn ngừa bằng cách thực hành tốt hơn việc trồng, sấy, chế biến và bảo quản và áp dụng có hiệu quả các hành động được đề cập với các đối tác chuỗi cung ứng. Cần đảm bảo sản phẩm được kiểm soát nhất quán trong tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng.

Để gia nhập thị trường thành công, việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh là hết sức cần thiết. Các DN cần xem xét các chiến lược tiếp thị, các đặc điểm sản phẩm đã thành công trên thị trường để rút kinh nghiệm và xây dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm phù hợp. Ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, DN có thể cân nhắc phát triển thương hiệu cà phê đặc sản, cà phê có thương hiệu được bảo hộ.

DN cần cung cấp thông tin chi tiết về vùng hoặc xuất xứ trồng cà phê, giống, phẩm chất, kỹ thuật sau thu hoạch và chứng nhận cà phê. Nếu cho biết lịch sử của DN, trang trại trồng cà phê và niềm đam mê, tâm huyết của những người làm việc tại đó… có thể là các yếu tố làm cho công ty và sản phẩm cà phê trở nên độc đáo.

Người Bắc Âu coi trọng đúng giờ. Do đó, hãy nhất quán, đúng giờ, đáng tin cậy và trung thực. Điều đó có nghĩa là trả lời kịp thời các câu hỏi (trong vòng 48 giờ), cởi mở và thực tế, cũng như không đưa ra những lời hứa có thể không được thực hiện.

Người mua Bắc Âu sẽ đánh giá rất cao nếu các DN xuất khẩu đầu tư vào truyền thông chuyên nghiệp, chẳng hạn như một trang web tốt, tài liệu quảng cáo của công ty, thông số sản phẩm và danh thiếp. Các phương pháp giao tiếp hiện đại (miễn phí) để giữ liên lạc với người mua của họ, ví dụ như.LinkedIn, Skype và Facebook, được biết đến rộng rãi và ngày càng được chấp nhận như các công cụ quảng cáo (bổ sung)…/.