Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính kỳ vọng rất nhiều vào sự thay đổi của thị trường trong thời gian tới khi khung khổ pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm ngày càng được hoàn thiện, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường, đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế.
NĂM 2020: TĂNG TRƯỞNG TRONG ĐẠI DỊCH
Theo công bố mới nhất từ Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 ước đạt 184.662 tỷ đồng (tăng 15% so với 2019). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 57.102 tỷ đồng (tăng 8% so với 2029), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng (tăng 19,6%).
Ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty bảo hiểm Petrolimex (PJICO), cho hay: với việc kiên định với chiến lược kinh doanh tập trung vào các tiêu chí "Hiệu quả, Chất lượng, Bền vững, An toàn", trong năm 2020, kết quả hoạt động kinh doanh của PJICO có nhiều đột phá, hoàn thành các kế hoạch Đại hội đồng cổ đông và HĐQT giao. Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động kinh doanh PJICO năm 2020 ước đạt 4.082 tỷ đồng, hoàn thành 118% kế hoạch năm. Doanh thu bán bảo hiểm qua cửa hàng xăng dầu Petrolimex tăng khoảng 30%; năng suất lao động bình quân tăng 15% so với 2019.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết tốt quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng và được khách hàng tin cậy là tấm lá chắn tài chính an toàn trước những rủi ro. Chi trả quyền lợi bảo hiểm trong năm 2020 ước đạt 48.223 tỷ đồng (tăng 11,4% so với cùng kỳ 2019), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.108 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 25.115 tỷ đồng (tăng 10%).
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực tái đầu tư trở lại nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế xã hội. Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 460.457 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ 2019), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 51.308 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 409.149 tỷ đồng (tăng 23,5%).
Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 552.403 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ 2019), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 95.949 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 456.454 tỷ đồng (tăng 23,3%).
Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm toàn thị trường vẫn duy trì ở mức tăng cao, ước đạt 355.240 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ 2019), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.125 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 328.115 tỷ đồng (tăng 22,6%). Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 113.523 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ 2019), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 31.035 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 82.488 tỷ đồng (tăng 25,2%).
Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới năm 2020 ước đạt 9.679 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ 2019), trong đó phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 7.019 tỷ đồng (tăng 17,6%), phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 2.660 tỷ đồng (tăng 16,5%).
HIỆU QUẢ CỦA CÁC CHÍNH SÁCH KỊP THỜI
Theo đánh giá của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, có được các kết quả đó là nhờ vào sự nỗ lực của toàn ngành.
Đầu tiên là việc thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, Chính phủ đã triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng tạo điều kiện và môi trường ổn định cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng khôi phục, đẩy mạnh triển khai hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, Bộ Tài chính (Cục Quản ly, giám sát bảo hiểm) đã kịp thời hoàn thiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả. Ngày 11/11/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung 4 Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trong đó có nội dung sửa đổi về trích lập dự phòng nghiệp vụ giúp các doanh nghiệp giảm sức ép về vốn trong ngắn hạn và có khoảng thời gian phù hợp để thực hiện các phương án tài chính tổng thể, ổn định kinh doanh trong bối cảnh lãi suất đầu tư, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh và dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường.
Thứ ba, Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Bộ cũng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường bảo hiểm như giảm mức trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm năm 2020 từ mức 0,15% xuống 0,05% tổng doanh thu phí bảo hiểm; giãn, hoãn kế hoạch kiểm tra các DN sang năm 2021...
Thứ tư, các doanh nghiệp bảo hiểm đã rất chủ động thích nghi hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới như: rà soát, cắt giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bổ sung vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính và mở rộng các kênh phân phối...
Các doanh nghiệp cũng tăng cường đầu tư công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và chăm sóc y tế với đa dạng quyền lợi, phạm vi bảo hiểm tại Việt Nam và trên toàn cầu. Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh triển khai các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đảm bảo năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động, khả năng quản trị điều hành và quản trị rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm được nâng cao.
Thứ năm, nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe của người tham gia bảo hiểm đã được nâng lên đáng kể. Người dân đã chủ động hơn, trong việc tiếp cận và tham gia bảo hiểm.
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG AN TOÀN VÀ BỀN VỮNG
Thị trường bảo hiểm dù tăng trưởng cao, ổn định nhưng quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 3,07%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và mức trung bình thế giới (6,3%). Đặc biệt, một số lĩnh vực như: bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm xuất nhập khẩu, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe... tiềm năng của thị trường vẫn chưa được khai thác hết.
Thị trường bảo hiểm là công cụ hữu ích bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư. Đến nay, bảo hiểm đã và đang bảo vệ cho hầu hết tất cả các loại hình tài sản của mọi thành phần và ngành nghề kinh tế với nhiều loại hình bảo hiểm đa dạng như: bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản...
Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, vào khoảng 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các doanh nghiệp bảo hiểm bảo vệ về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện chính sách tài khóa.
Bảo hiểm đã và đang góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội. Hiện nay khoảng 11,6 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương 12% dân số; trên 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ.
Bảo hiểm góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ với các chính sách bảo hiểm thí điểm vì mục tiêu an sinh xã hội như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản. Một số chính sách bảo hiểm thiên tai đang được triển khai nghiên cứu xây dựng sẽ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đối khí hậu...
Tất cả những tiềm năng của thị trường bảo hiểm nói trên vẫn đang cần thêm thời gian để trở thành hiện thực. Những doanh nghiệp bảo hiểm chính là những người được giao sứ mệnh thiêng liêng để thị trường bảo hiểm Việt Nam không còn là "nàng công chúa ngủ trong rừng".