Thị trường dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Linh hoạt thích ứng

Admin
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các nhà bán lẻ đã chủ động tăng lượng hàng nhập, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, các DN cũng chủ động xoay chuyển phương thức kinh doanh nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới của người dân.

Ưu tiên tiêu dùng tại nhà

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là một trong những kỳ nghỉ lễ lớn trong năm, do đó, vào dịp này nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, mua sắm sẽ tăng cao đột biến. Đây không chỉ là thời điểm những người xa quê trở về sum họp với gia đình mà còn là dịp lý tưởng để tổ chức những chuyến du lịch cùng bạn bè và người thân.

Nhưng năm nay kỳ nghỉ này đặc biệt hơn bởi thời điểm này cả nước vẫn đang thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19. Tuy Hà Nội đã thực hiện nới lỏng quy định giãn cách xã hội, nhưng người dân vẫn tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch, như hạn chế di chuyển và tụ tập nơi đông người. Do đó, nhiều thói quen tiêu dùng, cũng như sinh hoạt của người dân đã thay đổi, thay vì đặt lịch cho các chuyến du lịch, người dân có xu hướng dành thời gian nghỉ ngơi cùng người thân tại nhà.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro. Ảnh: Thanh Hải

Anh Nguyễn Mạnh Thắng ở khu Văn Phú, Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Các kỳ nghỉ lễ mọi năm gia đình tôi thường chọn các địa điểm du lịch trong nước để nghỉ ngơi. Tuy nhiên năm nay dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nên tôi quyết định ở nhà cùng gia đình nấu những món ăn ngon và dành thời gian chuẩn bị sách vở cho các con quay trở lại trường”.

Cũng không lựa chọn đi chơi xa hay ăn uống liên hoan ở nhà hàng, chị Nguyễn Thị Thảo ở Mỹ Đình (Hà Nội) đã chủ động đi siêu thị mua một số thực phẩm và nguyên liệu làm bánh để dịp nghỉ lễ cùng các con thực hiện.

Theo chị Thảo, vào kỳ nghỉ lễ tại các trung tâm thương mại hay các khu vui chơi đều trong tình trạng đông đúc, quá tải. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, thì đến những nơi đông người như vậy sẽ rất nguy hiểm. “Tôi nghĩ mỗi người dân cần tự giác có ý thức giãn cách xã hội cho riêng mình dù TP đã thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội” – chị Thảo bày tỏ.

Chủ động hàng hóa, đẩy mạnh kênh online

Trước sự thay đổi đáng kể trong cách sinh hoạt cũng như tiêu dùng của người dân, các nhà bán lẻ đã có những thay đổi đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới này, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid-19. Đến nay các DN lớn như tập đoàn Central Retain, Tập đoàn BRG, Hệ thống siêu thị Đức Thành… đã tăng lượng hàng hóa dự trữ gấp 2 - 3 lần so với bình thường, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Cùng với đó, nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn được triển khai.

Đại diện truyền thông Hệ thống siêu thị MM Mega Market Huỳnh Thị Phương Châu cho biết, trong giai đoạn này MM Mega Market đã tăng sản lượng hàng hóa, thực phẩm mua vào lên 40%, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau củ quả, hải sản, thực phẩm khô. Tổng giá trị hàng hóa ước tính hơn 1.300 tỷ đồng, nhằm bảo đảm đủ lượng hàng hóa và thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Đặc biệt, từ ngày 23/4 - 6/5, siêu thị áp dụng khuyến mại nhiều mặt hàng thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ như giảm giá 14 - 26% các sản phẩm thịt lợn VietGap loại 1, thịt bò, gà ta, tôm hùm, cá mú, tôm sú; giảm 10% các loại rau củ quả từ Đà Lạt như cà - rốt, ớt chuông, cà chua; còn các loại trái cây như cam sành, táo ta, chanh dây, dưa hấu, thanh long... cũng áp dụng giảm giá lên tới 27%. Ngoài ra, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như mũ, khẩu trang, bao tay... cũng áp dụng giảm giá 20 - 33%.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị Big C cũng nhanh chóng triển khai dịch vụ đặt hàng qua điện thoại. Theo đó, với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên, khách hàng sẽ được giao hàng miễn phí trong bán kính 10m. Phó Tổng Giám đốc Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết: Nhằm hỗ trợ người tiêu dùng hạn chế ra ngoài, Big C đã mở dịch vụ mua sắm qua điện thoại. Khách hàng chỉ cần gọi điện đặt hàng qua số hotline là sẽ được giao hàng tận nhà. Doanh số qua kênh bán hàng không tiếp xúc này của siêu thị ghi nhận tăng mạnh so với ngày thường.

Trước những thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân, nhiều DN đã kịp thời nắm bắt được cơ hội này, đem đến nhiều dịch vụ mua sắm trực tuyến đáng tin cậy. Hiện nay các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thực phẩm đều mở rộng kênh mua sắm trên ứng dụng ngân hàng, trang web… giảm tần suất đến siêu thị. Thông qua các ứng dụng, người tiêu dùng có thể tìm thấy mọi mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho mọi gia đình như thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, thực phẩm khô, đồ đông lạnh… Các sản phẩm đều có thông tin của nhà sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và kiểm định khắt khe trước khi đưa đến tay người tiêu dùng.

Một khảo sát mới nhất về người tiêu dùng châu Á trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 do Công ty Nghiên cứu và đo lường thị trường toàn cầu Nielsen thực hiện và công bố hôm 14/4 cho biết, hơn 50% người dân Việt Nam được khảo sát từ ngày 9 - 15/3 đã giảm tần suất đến các cửa hàng, 52% cho biết họ đã gia tăng dự trữ hàng hóa tại nhà.

Theo KTĐT