Tại Diễn đàn “Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội năm 2022” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong năm 2021, có hơn 100.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, giải thể. Con số này tăng lên theo các năm. Đặc biệt trong 2 năm đại dịch COVID-19 xảy ra vừa qua thì con số này cao hơn nữa.
Hiện nay, chỉ tính riêng DN FDI chiếm hơn 70% giá trị xuất khẩu. Còn lại các DN Việt Nam tham gia vào thị trường này rất thấp.
Theo khảo sát của Tổng cục Thông kê, tỷ lệ % doanh thu các DN dành cho hạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chỉ chiếm dưới 1%. Ngân sách DN thực sự dành cho DN khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn còn rất thấp. Trong khi các nước ASEAN tỷ lệ này chiếm 5-7%. Các nước như Hàn Quốc; Nhật Bản tỷ lệ này chiếm 30-40% thậm chí có nước lên đến 50%.
Cũng theo ông Cương, hiện nay tỷ lệ DN Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị còn thấp, chỉ chiếm khoảng 21%. Trong khi theo khảo sát, ở Thái Lan tỉ lệ này chiếm 30% và Malaysia chiếm đến 46%. Năng lực cạnh tranh của các DN nước ta hiện nay vẫn còn thấp. Đây thực sự là một vấn đề lớn cần phải lưu ý.
Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Thời gian qua, có rất ít nghiên cứu đánh giá sâu về đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Nếu có đánh giá chỉ hạn chế khoảng vài trăm doanh nghiệp. Chưa có đánh giá nào lên tới hàng nghìn DN. Với tình trạng trên, vấn đề không phải chuyện DN khoẻ hay yếu mà vấn đề ở chỗ bức tranh nói về DN của chúng ta nhiều chỗ vẫn chưa có màu. Chưa xác định được tình trạng thực sự của DN như thế nào; từ đó, việc nhận định đúng thực chất Dn mới đề xuất thiết kế các chính sách đúng và quan trọng hơn là và triển khai các chính sách sao cho có hiệu quả, ông Cương cho biết thêm.
Trong bối cảnh liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ trước đến nay theo thông lệ thông thường chia 3 nhóm vấn đề chính:
Thứ nhất: Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Nghị quyết 02 được đưa ra là chiến lược rất lâu dài; nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thân thiện hơn, giúp giảm chi phí cho DN, chi phí cho người dân, tạo điều kiện tốt nhất cho DN. Nghị quyết này đã và đang thực hiện rất tốt.
Thứ hai: Các giải pháp giúp DN tiếp cận tài chính. Bản chất tất cả các giải pháp hỗ trợ DN là làm thế nào phát triển nhiều sản phẩm tài chính cho DN với chi phí hợp lý để DN có thể tiếp cận được.
Viêt Nam hiện đang nằm trong top 3 đất nước thu hút nhiều vốn đầu tư khởi nghiệp nhất và có hệ sinh thái đổi mới sáng tao hứa hẹn phát triển tốt nhất. Vì vậy, vấn đề hỗ trợ tài chính với DN đã, đang và sẽ vô cùng quan trọng. Các quỹ đầu tư hiện nay luôn thấy sự hấp dẫn hơn trong khối các DN tư nhân, DN đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Thứ ba: Liên quan đến vấn đề phi tài chính bao gồm các dịch vụ phát triển kinh doanh liên quan đến đào tạo, thông tin, mở rộng thị trường, khoa học công nghệ…; có rất nhiều cơ quan đã và đang thực hiện các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề này.
Nếu chúng ta muốn có sự tăng trưởng đột phá không còn cách nào khác ngoài việc chúng ta cần thay đổi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các DN. Đây chính là yếu tố mang lại sự thay đổi nhiều nhất đối với chất lượng DN.
Ông Cương cho rằng, với những yếu tố khác khi thay đổi về lượng sẽ có sự thay đổi về chất. Tuy nhiên, đối với DN thì điều này sẽ chỉ mang đến sự thay đổi mang tính chất tuyến tính mà thôi. Nếu chúng ta muốn có sự thay đổi thực sự mang tính căn cơ, đột phá thì cần có những sự thay đổi về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cũng theo ông Cương, Việt Nam là quốc gia có sự thay đổi về kinh tế số tương đối nhanh. Tiềm năng phát triển của kinh tế số Việt Nam rất lớn. COVID -19 là thời gian khó khăn, nhưng cũng chính là thời gian tạo áp lực DN thay đổi. Nếu DN không thay đổi sẽ rất khó để sống sót qua giai đoạn này.
Ngược lại, giai đoạn hiện nay đang có rất nhiều thay đổi. Bản thân DN đối thủ cạnh tranh thay đổi; thói quen tiều dùng thay đổi; cách thức giao hàng thay đổi; thị trường thay đổi …vì vậy DN không thể không thay đổi.
“Đây là thời điểm quan trọng, thử thách để DN nhìn lại mình. Mặc dù thay đổi mang tính ép buộc nhưng mang tính tích cực. Cơ cấu lại DN, tối ưu hoá chi phí, mô hình cung cấp sản phẩm dịch vụ, kết hợp với những hỗ trợ của chính phủ cùng nỗ lực đem lại kết quả tốt nhất cho DN. Đó mới vấn đề quan trọng, là yếu tố then chốt chứ ko phải là gói hỗ trợ riêng lẻ nào đó”, ông Cương nói