Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện quy định về cho vay ngang hàng, triển khai thí điểm mobile money

Admin
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện Đề án, Nghị định về quy định fintech, cho vay ngang hàng, xác thực điện tử. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm trình việc triển khai thí điểm dịch vụ tiền di động (mobile money).

Kết luận phần thảo luận kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 vào hôm nay (4/9), Thú tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải chú trọng đẩy mạnh hơn xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa với 100 triệu dân.

Nhắc lại một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đến nay, cơ bản dịch COVID-19 đã được kiểm soát, cho phép chúng ta khởi động lại các hoạt động kinh tế-xã hội, trừ một vài khu vực nhỏ lẻ. Kết quả này tạo cơ sở cho phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021. Mục tiêu kép vẫn phải kiên trì.

"Chúng ta cố gắng phấn đấu ở mức cao nhất có thể nhưng không được chủ quan với dịch bệnh", Thủ tướng nói.

Xuất khẩu 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ 2019, là kết quả tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch xuất khẩu tăng 15,3%.

Lạm phát đang được kiểm soát tốt, giảm dần xuống dưới mức mục tiêu, nhưng Thủ tướng lưu ý, không được chủ quan. Lạm phát dưới 4% là khả thi nhưng đòi hỏi phải phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa tốt hơn nữa.

Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của COVID-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh, bao gồm 4 nhân tố: Nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối. Đặc biệt, các cân đối vĩ mô ổn định. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với giai đoạn 2008-2011, tình trạng bất ổn vĩ mô nghiêm trọng đã xảy ra lúc bấy giờ.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng lưu ý một số rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế cần phải đặt ra. Đó là những rủi ro, thách thức từ bên ngoài mà lớn nhất hiện nay là COVID-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước và khu vực. Căng thẳng thương mại vẫn leo thang, địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, cũng có cảnh báo về bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền bơm ra lớn nhưng khả năng hấp thụ còn yếu, có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính.

Hoạt động doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 8 có tăng lên so với tháng trước nhưng lũy kế 8 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ. Số việc làm tạo mới giảm 16,5%. Nhưng điều đáng mừng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 8 tháng tăng 27,9%.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới cần điều hành chủ động, linh hoạt, tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có. Đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển mạnh thị trường trong nước. Kích cầu tiêu dụng nội địa rất quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm. Thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là dòng vốn đang dịch chuyển trong khu vực và thế giới.

Với riêng Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng chỉ đạo phải sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến.

Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện Đề án, Nghị định về quy định fintech, cho vay ngang hàng, xác thực điện tử. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm trình việc triển khai thí điểm dịch vụ tiền di động (mobile money). Bộ Công an cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia.