Thúc giải ngân: Lãnh đạo phải dám nghĩ, dám làm

Admin
Giải ngân đầu tư công, hiện còn đến hơn 633 nghìn tỷ đồng (28 tỷ USD), được Thủ tướng xác định là một trong “tam mã” để thúc đẩy nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

Trong suốt thời gian vừa qua, Thủ tướng đã quyết liệt đốc thúc và đưa ra nhiều biện pháp để các bộ, ngành và địa phương tăng tốc giải ngân. Ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đã có những trao đổi về những nỗ lực này.

Lợi ích của người dân ở đâu trong giải phóng mặt bằng?

Thưa ông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang chỉ đạo rất quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiện đang rất ì ạch. Ông nhìn nhận như thế nào tình trạng này?

TS Nguyễn Đình Cung: Giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp đã được nói đến từ nhiều năm nay rồi nhưng thực trạng không được cải thiện bao nhiêu dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đốc thúc.

Theo tôi, nguyên nhân có rất nhiều và diễn ra trong suốt quá trình triển khai thực hiện vốn đầu tư công, từ năng lực của chủ đầu tư, năng lực chuẩn bị dự án cho đến việc giải phóng mặt bằng, đấu thầu, triển khai thực hiện dự án, giải ngân. Nghĩa là khâu nào cũng có vấn đề và nguyên nhân của nó.

Vấn đề là trên thực tế có những địa phương, có những ngành đã vượt qua được rào cản thể chế, biết khắc phục những nguyên nhân khách quan để giải ngân tốt, xây dựng được cơ sở hạ tầng vượt trội để phục vụ phát triển. Chúng ta hãy rút ra bài học từ những địa phương, những ngành đã giải ngân tốt và đưa những kinh nghiệm đó cho các địa phương khác.

Thúc giải ngân: Lãnh đạo phải dám nghĩ, dám làm
Giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp đã được nói đến từ nhiều năm nay rồi nhưng thực trạng không được cải thiện bao nhiêu dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đốc thúc. Ảnh: Vietnamnet/Lê Anh Dũng

Dự án có nhiều bên tham dự nhưng tôi nhấn mạnh, vai trò của người dân trong khâu giải phóng mặt bằng là cực kỳ quan trọng. Nếu người dân không đồng thuận thì chắc chắn có vướng mắc, làm chậm tiến độ dự án.

Thủ tướng yêu cầu phải tìm ra được nguyên nhân “chủ quan là chính” để có các cấp lãnh đạo thực hiện trách nhiệm trước nhân dân trong việc sử dụng vốn nhà nước. Theo ông, nguyên nhân chủ quan nào là chính nhất?

Hiện nay khâu giải phóng mặt bằng là khâu vướng mắc nhất, khó khăn nhất, mà nguyên nhân cốt lõi là không thỏa thuận được với người dân, hay nói cách khác là chúng ta không tìm kiếm được phương án phù hợp nhất có thể đối với lợi ích của mỗi người dân có liên quan. Chúng ta không thể dùng mệnh lệnh hành chính mà phải đi thỏa thuận, đi đàm phán, đi giải thích.

Tôi chắc rằng, nếu chúng ta thực sự giải thích cho người dân tin rằng việc chúng ta làm là vì sự phát triển của địa phương, vì lợi ích của dân chúng và có những phương án phù hợp cho lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của người dân thì người dân sẽ ủng hộ.

Bên cạnh đó, những người đi đàm phán phải là những người mà người dân tin cậy, những người mà dân tin là nói đi đôi với làm và làm vì lợi ích của người dân, vì sự phát triển của địa phương. Ngoài ra, phải có những cơ quan khác có liên quan như các đoàn thể, chính quyền địa phương từ cấp tổ dân phố, trưởng thôn cho đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tất nhiên, đừng lấy biện pháp hành chính ra để “trị” mà phải thỏa thuận, giải thích để tạo sự đồng thuận của người dân. Nếu có những người có trách nhiệm “nói là làm” thì người dân tin, ủng hộ và đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng.

Thúc giải ngân: Lãnh đạo phải dám nghĩ, dám làm
"Nhà nước thực hiện đầu tư công không thể bỏ qua quyền lợi và sinh kế của người dân, nhất là của nông dân" - TS Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Vietnamnet/Lê Anh Dũng

Cần những cán bộ có tâm, có tầm

Trong thực tế, nếu lãnh đạo có tâm, có tầm, làm như đã cam kết với dân thì đâu có chuyện dân chống giải phóng mặt bằng, làm chậm trễ các dự án đầu tư công?

Giải phóng mặt bằng, như tôi phân tích, là nút thắt lớn nhất vì nó liên quan đến đến sinh kế, quyền lợi của người dân. Nhà nước thực hiện đầu tư công không thể bỏ qua quyền lợi và sinh kế của người dân, nhất là của nông dân. Cho nên, nếu chúng ta tiếp cận thuần túy theo luật pháp, hành chính mà không có những nghệ thuật vận động người dân, và đặc biệt là có những phương án hợp lý nhất để cân bằng được lợi ích của chủ đầu tư, của Nhà nước và đặc biệt của người dân thì chúng ta sẽ ách tắc.

Vì sao người dân không đồng ý di dời? Vì sao người dân quyết liệt ngăn cản? Lãnh đạo phải tiếp cận từng cá nhân người dân bị ảnh hưởng. Lợi ích của người dân là rất đa dạng, vị trí và nhận thức xã hội của người dân cũng rất đa dạng... cho nên lãnh đạo phải tiếp cận đến từng cá nhân, vận động từng hộ dân chứ không chỉ họp hành. Họ cần phải dành nhiều thời gian, phải trăn trở tìm kiếm các giải pháp phù hợp.

Nếu lãnh đạo trăn trở, suy tư thì sẽ tìm được giải pháp hợp lý, hợp tình để người dân sẽ chia sẻ, đồng cảm, ủng hộ. Một khi người dân thấy lãnh đạo tâm huyết, trăn trở suy tư như thế vì sự phát triển, trong đó có lợi ích của người dân, thì dân nào lại chống đối!

Tôi nghĩ rằng, nhiều lãnh đạo còn xa dân, không hiểu dân nên dẫn tới tình trạng như thế này. Là tôi, tôi sẽ hành động khác, phải đi cùng với người dân.

Tôi biết rất nhiều trường hợp lúc đầu người dân chống đối một cách quyết liệt, nhưng khi có những người lãnh đạo vào cuộc, họ không đi xe con, không trưng biển, trưng cờ mà vào với dân một cách chân thành, cầu thị, như về với người thân trong gia đình, thì hiệu quả rất khác.

Có lãnh đạo âm thầm vào làng với dân khi dân đang uống trà, ông xin uống trà cùng, tìm hiểu những vấn đề của dân và từ đấy giải thích cho người dân hiểu. Mà ông đi âm thầm, đi nhiều lần và sau đó hành động đúng như đã trao đổi và hứa với người dân. Sau đó, ông giải quyết được mọi ách tắc. Người dân ủng hộ.

Vì sao trên cùng nền tảng cơ chế, chính sách như thế mà có địa phương giải ngân tốt, có địa phương ì ạch giải ngân chậm? Phải chăng là do sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của lãnh đạo địa phương?

Tôi nghiên cứu và rút ra bài học là cùng một thể chế, cùng một chính sách, cùng dưới một bầu trời như thế nhưng có những địa phương thì phát triển được và phát triển rất nhanh, và có những địa phương không thấy có tiến triển gì qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.

Yếu tố quyết định ở đây là tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo ở địa phương đó - mà trực tiếp là những người đứng đầu là Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Khi hai lãnh đạo này đoàn kết, thống nhất vì sự phát triển chung của kinh tế địa phương; khi họ năng động sáng tạo, luôn luôn ra quyết định dựa trên phúc lợi của người dân, vì sự phát triển của kinh tế địa phương và triển khai thực hiện đúng như vậy thì mọi việc tiến hành một cách trôi chảy, thuận lợi, thậm chí phát triển vượt trội.

Ví dụ tỉnh Quảng Ninh. Trong khi vốn đầu tư cả công, tư đều thu hẹp và ít đi, nhưng họ biết tập trung vào những dự án quan trọng nhất, hiệu quả nhất kết nối Quảng Ninh với các tỉnh khác và các dự án trong tỉnh nên bộ mặt của Quảng Ninh thay đổi một cách vượt bậc trong mấy năm qua.

Nếu ông Bí thư, ông Chủ tịch năng động, sáng tạo và hành động quyết liệt thì các cấp sở ngành, quận, huyện, xã cũng phải hành động như thế vì nếu không họ sẽ bị loại khỏi bộ máy. Vì thế, họ thu hút được những con người năng động, sáng tạo, đam mê, trăn trở vì sự phát triển của địa phương vào bộ máy. Họ thấy, có một dự án ở địa phương là điều cực kỳ may mắn cho địa phương đó chứ không phải là gánh nặng cho địa phương, họ sẽ đốc thúc tìm mọi cách để triển khai nhanh dự án. Nếu dự án được triển khai theo cách thức phù hợp với lợi ích của người dân thì chắc chắn nhận được sự ủng hộ của người dân.

Nếu như làm được như thế thì người dân thậm chí còn hy sinh lợi ích cá nhân của mình cho dự án chứ không phải ngăn cản. Vì thế, cách thức làm việc ở đây là hết sức quan trọng, đây là bài học không chỉ trong giải quyết giải phóng mặt bằng, trong các dự án công mà còn trong phát triển kinh tế địa phương nói chung. Phải có những cán bộ tâm huyết, trăn trở với phát triển kinh tế của địa phương, phải có những người năng động, sáng tạo, dám hành động để vượt qua mọi khó khăn.

Một mình Thủ tướng không thể giải quyết được

Thủ tướng đang rất sốt ruột và đưa ra hàng loạt các giải pháp thúc đẩy giải ngân các dự án công. Về phần mình, ông thấy giải pháp nào là hiệu quả nhất?

Như tôi đã phân tích, bây giờ chỉ một mình Thủ tướng thì không thể đủ để giải quyết vấn đề được và các Bộ trưởng, đặc biệt là các Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chia sẻ và thực sự đồng lòng chia sẻ mối quan tâm mối lo lắng của Thủ tướng, và phải vào cuộc ngay trên tinh thần là dám sáng tạo, đổi mới, tìm mọi giải pháp có thể nhất phù hợp với lợi ích của người dân mới mong đẩy nhanh được giải ngân vốn đầu tư công.

Nghĩa là, họ phải vào cuộc hàng ngày, hàng giờ đối với từng dự án. Trong trường hợp có quá nhiều dự án thì họ cần tập trung vào những dự án quan trọng nhất, có quy mô lớn nhất trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Khi có bất cứ một khó khăn, vướng mắc nào thì họ phải trực tiếp xử lý, giải quyết và chỉ đạo cho những người có liên quan triển khai, thực hiện đúng quyết định của mình.

Ở đâu có vướng mắc liên quan đến lợi ích của người dân, lãnh đạo phải trực tiếp vận động người dân, thỏa thuận với người dân và lôi kéo được sự ủng hộ của người dân.

Khi ông Chủ tịch đích thân đứng ra xử lý, có những giải pháp quyết liệt, chẳng hạn cách chức, thay thế những cán bộ mà người dân không tin cậy để thay bằng những người khác mà ông Chủ tịch và người dân đều tin tưởng thì công việc sẽ hanh thông.

Thủ tướng đã chỉ đạo, nếu địa phương này không giải ngân hết số vốn của mình thì số vốn đó được điều chuyển cho địa phương khác có cơ hội giải ngân, hoàn thành công trình nhanh hơn. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?

Điều này thể hiện tính quyết liệt trong chỉ đạo của Thủ tướng, nhưng tôi mong rằng ở đâu có vốn thì ở đó phải triển khai thật nhanh, thật đúng tiến độ và giải ngân hết bởi vì mỗi một đồng vốn đầu tư công được giải ngân là tạo ra lợi ích rất nhiều cho nền kinh tế và chính lợi ích của địa phương, của ngành đó.

Tư Giang/Vietnamnet