Đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ hai và vẫn diễn biến phức tạp, đang tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, đến hoạt động kinh tế - xã hội. Đến hết ngày 23/2/2021, đã có gần 113 triệu người nhiễm Covid-19 và đại dịch đã cướp đi sinh mạng của gần 2,5 triệu người, nhiều quốc gia vẫn đang phải áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm bảo vệ sức khỏe và sinh mạng người dân, giảm thiểu tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Có thể nói, vaccine Covid-19 đang được coi là hy vọng lớn và cũng là giải pháp căn cơ để kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sớm vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả phòng bệnh, nguồn cung, cơ chế phân phối và tiêm vaccine như thế nào là vấn đề đáng quan tâm.
Tiếp theo Báo cáo tiến trình nghiên cứu, sản xuất vaccine và vai trò của nó trong phục hồi kinh tế đã công bố; Tiến sĩ Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã thực hiện Báo cáo tiến trình cung ứng vaccine và vai trò của nó trong phục hồi kinh tế với 4 nội dung chính: (i) Cập nhật tiến trình sản xuất vaccine tới tháng 2/2021; (ii) Đánh giá về cung - cầu vaccine Covid-19 trong năm 2021-2022; (iii) Vai trò của vaccine đối với phục hồi kinh tế; và (iv) Một số hàm ý đối với Việt Nam.
Tiến trình nghiên cứu, sản xuất và cung ứng vaccine
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay đã có 190 quốc gia tham gia Chương trình tiếp cận vaccine phòng Covid-19 toàn cầu (COVAX) do Liên minh vaccine GAVI và WHO sáng lập, cùng phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, phát triển vaccine và phân phối vaccine với tiêu chí công bằng và hiệu quả cho các nước thành viên tham gia. Trong đó, các viện nghiên cứu, công ty sinh học, dược phẩm của các nước lớn (Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc) thể hiện vai trò vượt trội về nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng (có 27 viện nghiên cứu, công ty sinh học, dược phẩm lớn trên thế giới tham gia sáng kiến). Một số tổ chức đã thử nghiệm vaccine ở giai đoạn 3 chưa tham gia COVAX như CanSino và Sinopharm (Trung Quốc), Viện Pasteur (Pháp), Công ty Dược phẩm Inovio (Mỹ)…v.v.
Kế hoạch nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19 đã được các nước, các viện nghiên cứu, công ty sinh học lớn, v.v. trên thế giới đầu tư mạnh mẽ về cả nhân lực và tài lực, với tốc độ khẩn trương chưa từng có nhằm có được vaccine Covid-19 trong khoảng 1 năm (so với thời gian trung bình từ 3-4 năm). Tính đến hết ngày 15/2/2021, theo WHO, có 237 loại vắc-xin Covid-19 đang được nghiên cứu, trong đó có 35 loại vaccine đang trong giai đoạn đánh giá lâm sàng với 12 sản phẩm đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và đưa vào sử dụng (điển hình như AstraZeneca, BioNTech/Pfizer, Modena, Johnson&Johnson, Novavax, Sinopharm, Sinovac, CanSino, Gamaleya...), còn lại mới đang ở giai đoạn 2 hoặc 1. Đặc biệt, một số vaccine của Pfizer, Moderna có hiệu quả phòng bệnh từ 94-95%, đem lại hy vọng rất lớn cho ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đại dịch và phục hồi kinh tế nhanh.
Đối với Việt Nam, theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 190 quốc gia tham gia Sáng kiến COVAX và cũng nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vaccine giai đoạn đầu tiên. Theo Bộ Y tế (19/2/2021), số lượng vaccine được cấp qua COVAX là 30 triệu liều, trong khi qua đặt hàng với Công ty AstraZeneca là 30 triệu liều trong năm 2021. Như vậy, trong năm 2021, Việt Nam sẽ có ít nhất khoảng 60 triệu liều vaccine. Ngoài ra, đối với khả năng tự cung cấp vaccine của Việt Nam, hiện nay, cả nước có 4 đơn vị đang nghiên cứu vaccine gồm: VABIOTECH, IVAC, Nanogen và POLYVAC, nếu thành công; dự báo có thể đáp ứng tổng số 50-130 triệu liều/năm; giúp Việt Nam có thể chủ động nguồn cung cấp vaccine phục vụ cộng đồng về lâu dài.
Đánh giá về cung-cầu vaccine Covid-19
Về phía cung, theo Citi Research (2/2021), tính đến hết năm 2020, đã có 7 hãng dược phẩm sẵn sàng cung cấp vaccine ra thị trường và được nhiều Chính phủ phê duyệt sử dụng. Dự kiến sẽ có thêm 4 hãng nữa được cấp phép cung ứng trong năm 2021, đưa tổng số nhà cung cấp vaccine Covid-19 trên thế giới lên 11 tổ chức, với năng lực sản xuất đạt tối đa 11,9 tỷ liều (năm 2021) và 15,3 tỷ liều (năm 2022). Số liệu này chưa kể đến các nhà sản xuất vaccine nội địa tại Ấn Độ, Trung Quốc, Nga...., đã được các chính phủ nước này cấp phép sử dụng.
Theo Liên minh vaccine GAVI (1/2021) dự báo nguồn cung của chương trình COVAX trong năm 2021 khoảng 2 tỷ liều cho 92 nước tham gia chương trình, đáp ứng được khoảng 27% dân số của các nước này. Tổng cung trong cả giai đoạn 2021-2022 (bao gồm phần đã cam kết và phần đang đàm phán) đạt 2,79 tỷ liều. Triển vọng nguồn cung của COVAX có thể thay đổi do có nhiều yếu tố không chắc chắn, đặc biệt là năng lực sản xuất, quy định, khả năng tài trợ, các điều khoản hợp đồng và sự sẵn sàng của các quốc gia để bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 tại nước mình. Nguồn cung trong năm 2021 chủ yếu đến từ AstraZeneca (Anh), với cam kết cung cấp 720 triệu liều (chiếm 40%), Novavax (Mỹ) với 550 triệu liều (31%) và Johnson & Johnson (Mỹ) 500 triệu liều (28%). Số liều vaccine sẽ được cung cấp chủ yếu vào nửa cuối năm 2021, do sản phẩm của Johnson & Johnson dự kiến sang tháng 3/2021 mới được Mỹ và EU cấp phép, trong khi vaccine của Novavax đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, dự kiến được cấp phép vào đầu Quý 3/2021.
Về phía cầu, trong khi các nền kinh tế phát triển phương Tây (Mỹ, Canada, EU, Anh...) gấp rút đặt hàng và triển khai tiêm chủng từ giữa Q4/2020, các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển tại châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Úc, ...) chỉ vừa mới bắt đầu tiêm chủng gần đây, do tâm lý thận trọng hơn trong việc cấp phép và triển khai tiêm chủng tại các nước này. Bên cạnh đó, nhiều nước đang phát triển (khu vực Trung Đông, Đông Âu, Châu Á, Mỹ Latin và Châu Phi) do hạn chế về tiềm lực tài chính, sẽ được đáp ứng một phần nhu cầu vaccine thông qua chương trình COVAX (bắt đầu phân phối các lô vaccine đầu tiên tới các nước thành viên từ Q1/2021). Đến tháng 2/2021, tổng đơn đặt hàng đã được thỏa thuận giữa các Chính phủ, tổ chức lớn trên thế giới với các nhà cung cấp vaccine đạt khoảng 12 tỷ liều. Với Việt Nam, theo Bộ Y tế, sẽ cần khoảng 150 triệu liều để tiêm đủ dân số trong năm 2021.
Trong năm 2021, COVAX dự kiến phân phối vaccine cho các quốc gia thành viên theo 2 giai đoạn: (i) giai đoạn 1 cung cấp vaccine cho khoảng 3-5% dân số, trong đó chủ yếu cho nhân viên y tế; (ii) giai đoạn 2 cung cấp cho khoảng 20-22% dân số, chủ yếu cho người cao tuổi (trên 65 tuổi) và những người rủi ro cao. Dự kiến vaccine Covid-19 sẽ được cung cấp rộng rãi tại hầu hết các quốc gia vào nửa cuối năm 2022, với nhu cầu khoảng 15,8 tỷ liều.
Vai trò của vaccine đối với phục hồi kinh tế
Kinh tế toàn cầu năm 2020 đã suy giảm khoảng 4% (theo WB, tháng 1/2021); dự báo phục hồi ở mức 4% năm 2021 và 3,8% năm 2022 khi vaccine được đưa vào tiêm chủng cho cộng đồng. Đối với Việt Nam, kinh tế năm 2020 đạt kết quả đáng khích lệ khi là một trong số rất ít các nước có tăng trưởng dương ở mức 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 6,5% trong giai đoạn 5 năm gần đây; điều này cũng cho thấy tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam.
Quá trình phục hồi kinh tế thế giới và các nước (trong đó có Việt Nam) phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: (i) Năng lực và hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19; (ii) Tình hình cung cấp và triển khai hiệu quả các chính sách, gói hỗ trợ của Chính phủ các nước; và (iii) Hợp tác quốc tế trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, khôi phục kinh tế; trong đó, việc phát triển, cung cấp, phân phối và tiêm chủng vaccine là yếu tố rất quan trọng.
Theo đó, vaccine có ít nhất 3 vai trò quan trọng đối với sức khỏe và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Một là, vaccine tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân (theo một số nghiên cứu, đối với virus Covid-19, miễn dịch cộng đồng có thể đạt được nếu 60% cư dân được miễn dịch). Hai là, giảm bớt sức ép đối với hệ thống y tế: đại dịch Covid-19 đã đặt hệ thống y tế các nước dưới sức ép rất lớn trong việc điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân trong cùng 1 thời điểm, gây ra thiếu vật tư, nhân lực y tế phòng dịch và điều trị, đồng thời suy giảm nguồn lực điều trị cho các bệnh nhân khác. Việc có vaccine sẽ giúp giảm sự quá tải tại các bệnh viện, cơ sở y tế, đồng thời củng cố tính bền vững của hệ thống y tế. Ba là, tác động tích cực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Theo GAVI, việc tiêm chủng vaccine cúm mùa trước giai đoạn dịch bệnh lan rộng có thể giúp nền kinh tế khỏi mức suy giảm 0,13-2,3 điểm % so với trường hợp không có vaccine. Kinh tế có thể hồi phục nhờ các yếu tố: (i) đảm bảo sức khỏe cho lực lượng lao động và tăng năng suất lao động; (ii) khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội khi kiểm soát được mức độ lây nhiễm của dịch bệnh; và (iii) thúc đẩy nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của các hộ gia đình, doanh nghiệp khi sức khỏe cộng đồng được đảm bảo.
Các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định là vaccine Covid-19 sẽ có đóng góp quan trọng vào đà phục hồi kinh tế năm 2021. Báo cáo của WB (tháng 1/2021) đưa ra 3 kịch bản dự báo mức độ tiêm vaccine trên thế giới; với kịch bản cơ sở là tỷ lệ tiêm vaccine ở mức 60% dân số (mức đạt miễn dịch cộng đồng) vào quý 1/2022, với kịch bản tích cực thì tỷ lệ này đạt được vào quý 4/2021, kịch bản tiêu cực là đến cuối năm 2022. Trong khi đó, Citi Research (tháng 2/2021) cho rằng vaccine được phân phối diện rộng ngay trong quý 1/2021 và có thể đáp ứng 70% nhu cầu tiêm chủng Covid-19 vào cuối quý 3 hoặc đầu quý 4/2021, sớm hơn 1 quý so với dự báo tháng 11/2020 cũng như của nhiều tổ chức (GAVI và WHO). Theo đó, có vaccine sẽ đóng góp thêm 1,1 điểm % cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021, tương ứng 1,7 điểm % cho các nền kinh tế phát triển và 0,3 điểm % cho các nền kinh tế mới nổi (Hình 2).
Năm 2022, tác động tích cực của việc có vaccine đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ nhiều hơn do mức độ phổ cập vaccine tăng. Theo đó, với tiến trình tiêm vaccine như hiện nay, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng thêm gần 3 điểm % năm 2022 và cả 2 năm (2021-2022) sẽ là 4 điểm %, EU và Mỹ (6 điểm %), các nước đang phát triển và mới nổi (2,2 điểm %) và Việt Nam (khoảng 0,3 điểm % năm 2021 và 1,8 điểm % năm 2022).
Nhận định đối với kịch bản trên
Rõ ràng là vaccine có vai trò quan trọng thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, sản xuất, phân phối và tiêm vaccine có những thuận lợi và khó khăn riêng.
Ba yếu tố thuận lợi cơ bản là: (i) nghiên cứu vaccine nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư của các quốc gia, tổ chức phi chính phủ lớn. Ước tính có 31 quốc gia trên thế giới tham gia nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19 (trong đó, 22% số tổ chức nghiên cứu phát triển vaccine là của Mỹ, 11% của Trung Quốc và 8% là của Nga); (ii) quá trình nghiên cứu, phát triển, công nhận và tiêm vaccine Covid-19 được triển khai nhanh chưa từng có (chỉ mất chưa đầy 1 năm so với thông thường cần khoảng 2-3 năm hoặc thậm chí từ 3-5 năm); (iii) vai trò dẫn dắt và điều phối của WHO và GAVI thông qua Chương trình COVAX với hơn 190 nước tham gia góp phần đẩy nhanh, tăng tính công bằng hơn trong quá trình phân phối và tiêm vaccine trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, việc phân phối và tiêm chủng vaccine Covid-19 vấp phải bốn khó khăn chính như: (i) vẫn còn tâm lý e ngại của người dân về tính an toàn của vaccine (từ mức sẵn sàng tiêm là 46% tại Nga, 63% tại Mỹ, 64% tại Nhật Bản, 67% tại Đức, đến 79% tại Hàn Quốc, 83% tại Trung Quốc và 86-87% tại Anh, Brazil và Ấn Độ...v.v., theo khảo sát của Ipsos cuối tháng 1/2021); (ii) việc xuất hiện các biến thể mới của virus SAR CoV-2 khiến hiệu quả của các vaccine giảm xuống, dẫn tới việc đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng chậm hơn so với dự kiến; (iii) hạn chế về khả năng cung cấp các thiết bị y tế để tiêm phòng như kim tiêm, vỏ chai đựng vaccine (lọ thủy tinh borosilicate)... tại nhiều quốc gia (chính phủ Mỹ dự kiến cần có thêm 850 triệu kim tiêm để tiêm vaccine Covid-19, trong khi số kim tiêm sản xuất thêm được chỉ là 420 triệu chiếc trong năm 2021); (iv) quá trình vận chuyển, bảo quản tương đối khó khăn. Để vận chuyển số lượng vaccine như tiến trình trên ước tính cần 8 nghìn lượt máy bay Boeing 747 (theo Hiệp hội Hàng không quốc tế - IATA) và vaccine phải được lưu trữ và vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ từ 2-8oC - điều kiện bảo quản với đa số vaccine (vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ từ -80oC đến -20oC).
Ảnh minh họa
Năm hàm ý đối với Việt Nam
Một là, căn cứ tình hình phát triển và phân phối vaccine, Việt Nam sẽ chỉ có được khoảng 60 triệu liều vaccine so với nhu cầu 150 triệu liều (tương đương 40-53% nhu cầu) trong năm 2021 và có thể tới giữa năm 2022 mới có thể đạt được mức tiêm chủng 60-70% dân số để đạt được mức miễn dịch cộng đồng cần thiết. Do đó, trong năm 2021, Việt Nam vẫn phải sống chung với dịch bệnh trong trạng thái "bình thường mới". Theo đó, chính phủ cần tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép, trong đó nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả vẫn là ưu tiên hàng đầu, bởi đó cũng là điều kiện tiên quyết đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tinh thần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội cũng phải như tinh thần phòng chống dịch Covid-19, bởi vì chúng ta không thể chậm chễ, chần chừ, e ngại trách nhiệm hay vô cảm để chỉ lo một vế của vấn đề (phòng chống dịch hoặc phát triển kinh tế - xã hội mà không nỗ lực làm tốt cả hai). Theo đó, cần tính toán phương án tối ưu, không chủ quan, lơ là chống dịch, nhưng cũng không quá hoang mang, sợ hãi đến mức luôn phong tỏa, bế quan, tỏa cảng dẫn đến ách tắc mọi hoạt động kinh tế - xã hội.
Hai là, Việt Nam cần sớm có kế hoạch chi tiết về mua, nguồn kinh phí, vận chuyển, phân phối, bảo quản và tiêm vaccine Covid-19; trong đó, cần lưu ý cả khâu nhân lực, thiết bị y tế liên quan (kỹ năng tiêm, mũi kim, cơ sở tiêm, thiết bị bảo quản...); lộ trình tiêm phù hợp; xử lý rủi ro khi xảy ra phản ứng phụ...v.v. Trường hợp Chính phủ cho phép xã hội hóa một phần đối với việc mua vaccine, thì cần tính toán đầu mối mua, việc gom hàng, vận chuyển và phân công rõ trách nhiệm các khâu trên như thế nào nhằm đảm bảo hiệu quả, minh bạch và công bằng (hiện đã có 1 số doanh nghiệp, tổ chức sẵn sàng mua vaccine cho người lao động)...v.v. Khi đó, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể về thủ tục đăng ký, cấp phép mua và tổ chức tiêm vaccine cho người lao động của tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường truyền thông hiệu quả nhằm đạt được sự đồng thuận cũng như ý thức phòng, chống dịch.
Ba là, để chủ động về lâu dài, đặc biệt là có sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus SARS CoV-2, cần đa dạng hóa nguồn cung vaccine và bài toán nghiên cứu, tự sản xuất vaccine (trong đó có vaccine Covid-19) cần được quan tâm đầu tư và triển khai thực hiện.
Bốn là, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình phát triển và tính hiệu quả của các loại vaccine để có điều chỉnh kế hoạch mua, phân phối và lộ trình tiêm vaccine phù hợp nhằm nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng, song vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Năm là, song song với việc triển khai tiêm vaccine, các quốc gia cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc nâng cao ý thức của người dân; không chủ quan, ỷ lại hoàn toàn vào việc có vaccine. Đồng thời, mỗi quốc gia cũng cần có kế hoạch hợp tác với các nước khác khi áp dụng giấy chứng nhận đã tiêm vaccine như thế nào.