Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Hưng Yên cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 24 dự án có tổng số vốn 760 triệu USD và 10.000 tỷ đồng (tổng hơn 26.000 tỷ đồng) trong các lĩnh vực: Hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, thương mại, điện tử, logistics, nội thất, linh kiện điện tử, cơ khí… cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đơn cử, Công ty Công nghệ Arizon cho biết sau khi tìm hiểu 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã quyết định đầu tư tại Hưng Yên nhà máy điện tử công nghệ cao chuyên sản xuất các sản phẩm nhãn RFIA (Radio Frequency Identification-nhận dạng qua tần số vô tuyến), với mục tiêu là nhà máy lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này.
Nhiều thuận lợi, thế mạnh và dư địa để phát triển
Quy hoạch chỉ rõ Hưng Yên có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trung tâm đồng bằng sông Hồng, là cửa ngõ phía đông của Hà Nội, gần cảng Hải Phòng, sân bay Nội Bài; lợi thế về kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông đồng bộ, nhất là cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ.
Tỉnh có thế mạnh về phát triển công nghiệp với nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực và có các khu công nghiệp lớn (Phố Nối A, Phố Nối B, Thăng Long II, Như Quỳnh, Minh Đức, Kim Động, Quán Đỏ…).
Hưng Yên cũng có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi với các đặc sản có tiếng (nhãn lồng, chuối tiêu hồng Khoái Châu, gà Đông Tảo, mật ong hoa nhãn, cam Quảng Châu, cam Văn Giang, tương Bần, cây cảnh…).
Tỉnh còn dư địa rất lớn về phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, là vùng đất văn hiến, đứng thứ 2 cả nước về di tích được xếp hạng cấp quốc gia (với trên 1.800 di tích lịch sử, như Văn Miếu Xích Đằng, đền Trần Hưng Yên, đền Mẫu, chùa Chuông, Di tích Chử Đồng Tử-Tiên Dung, Di tích Tống Trân-Cúc Hoa).
Thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng của Hưng Yên đến từ dân số khoảng 1,3 triệu người và có hệ thống giáo dục đào tạo phát triển; người dân Hưng Yên có truyền thống thượng võ, yêu nước, kiên cường bất khuất, hiếu học, tôn sư trọng đạo, cần cù, sáng tạo, đoàn kết, gắn bó, nghĩa tình...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Hưng Yên có nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phá, là vùng đất "địa linh nhân kiệt", với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nguồn lực con người, truyền thống văn hóa lịch sử. Hưng Yên cần phát huy hơn nữa đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, với tầm nhìn cao hơn, xa hơn, rộng hơn.
Giai đoạn 2021-2023, tăng trưởng GRDP bình quân đạt 10,71%, gấp hơn 2 lần tăng trưởng bình quân cả nước (5,24%); quy mô kinh tế xếp thứ 16/63; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 90%). GRDP 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,81%. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt kế hoạch, năm 2022, 2023 thuộc nhóm 10 địa phương thu ngân sách cao nhất nước.
Tỉnh thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, đến tháng 6/2024 có trên 17.300 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 212 nghìn tỷ đồng; có 1.686 dự án trong nước, tổng vốn 340 nghìn tỷ đồng; 577 dự án FDI, tổng vốn 7,5 tỷ USD. Trong đó, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với Khu công nghiệp Thăng Long II của Hưng Yên không dùng hàng rào cứng mà đào kênh để bảo vệ, trồng nhiều cây xanh, an toàn, thân thiện, hài hòa, hiệu quả.
Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng chiến lược về giao thông, công nghiệp, đô thị, nông thôn… được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình, dự án động lực, tạo sức lan tỏa. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 45%, tạo tiền đề hình thành các khu đô thị lớn, hiện đại, thông minh, sinh thái. Diện mạo nông thôn nhiều đổi mới; là tỉnh về đích sớm thứ 3 trong hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh gắn với chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Chỉ số PCI được cải thiện vượt bậc, trong 3 năm 2021-2023 tăng 41 bậc, từ 53/63 lên 12/63.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; bảo đảm an sinh xã hội, người dân được thụ hưởng thành quả phát triển. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 0,86% năm 2023 (phấn đấu còn dưới 0,5 % năm 2025).
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Theo Thủ tướng, về vị trí địa lý, "Hưng Yên có nhiều nơi gần Hà Nội hơn cả Hà Nội", nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng sông Hồng, song để phát huy được lợi thế này, cần có 3 tuyến đường huyết mạch để "kéo" Hưng Yên gần hơn với Hà Nội, Hải Phòng và các trung tâm kinh tế lớn, các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng.
Trong đó, tuyến đường nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ vừa được khánh thành, tuyến đường Tân Phúc-Võng Phan vừa được khởi công và tuyến đường kết nối di sản sông Hồng có thể khởi công trong cuối năm 2024.
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, Hưng Yên vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, thách thức: Phát triển kinh tế chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là lợi thế của liên kết vùng; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; cải cách thủ tục hành chính cần nỗ lực hơn; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường cần hiệu quả hơn... Thủ tướng lấy ví dụ về tình trạng ô nhiễm trên sông Bắc Hưng Hải, cần khắc phục, xử lý thời gian tới.
Quy hoạch đã cụ thể hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thể hiện khát vọng và qua đó góp phần quan trọng hiện thực hoá mục tiêu phát triển Hưng Yên giàu đẹp, hiện đại, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.
"Quy hoạch chỉ ra được những điểm khác biệt, nổi trội của Hưng Yên so với các tỉnh xung quanh, từ đó phát triển không trùng dẫm mà liên kết, hỗ trợ lẫn nhau", Thủ tướng đánh giá.
Mục tiêu Quy hoạch đã được xác định rõ, đến năm 2030, Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng.
Để tỉnh đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần làm nên "kỳ tích sông Hồng", Hưng Yên phải tích cực trong việc triển khai, cụ thể hóa Quy hoạch. Thủ tướng lưu ý các định hướng lớn, theo đó, tổ chức không gian kinh tế-xã hội theo mô hình "mạng lưới", đa cực tích hợp, dựa trên cấu trúc khung phát triển gồm 02 vùng, 02 hành lang, 05 trục, 03 trung tâm mà Quy hoạch đã chỉ ra; thực hiện tốt định hướng phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; tập trung thực hiện các đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực).
Thủ tướng đề nghị tỉnh Hưng Yên thực hiện tốt phương châm "1 tập trung - 2 tăng cường - 3 đẩy mạnh".
"1 tập trung" là: Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tạo đột phá vào các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững...).
"Các khu công nghiệp phải chọn lọc, thu hút đầu tư công nghệ cao để người lao động nâng cao trình độ, tay nghề, năng suất lao động, từ đó mang lại thu nhập cao và nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
"2 tăng cường" là: (1) Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội); (2) Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, chuỗi sản xuất và cung ứng...
"3 đẩy mạnh" là: (1) Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, chuyển đổi số, y tế, giáo dục, xã hội...); (2) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất-cung ứng, nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; (3) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.