TP. HCM sẽ xem xét mở lại một số hoạt động kinh doanh

Kỳ Văn
Trong chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” số đặc biệt tối ngày 6/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP. sẽ xem xét mở lại một số hoạt động kinh doanh an toàn và có thêm gói an sinh xã hội cho người dân cũng như có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau ngày 15/9.
Người dân vùng xanh được đi chợ 1 lần/tuần, dự kiến mở lại một số hoạt động kinh doanh

Trước câu hỏi của người dân về việc mở lại các siêu thị, được đi chợ,… ông Phan Văn Mãi cho biết, trước ngày 15/9, TP.HCM tiếp tục áp dụng các biện pháp tăng cường giãn cách như từ ngày 23/8 đến nay. Tuy nhiên, Thành phố có hai điểm điều chỉnh là các hệ thống siêu thị, các chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ mở đến xã, phường, thị trấn. Ở vùng đỏ, shipper sẽ hỗ trợ người dân mua thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết. Còn người dân ở vùng xanh được đi chợ 1 tuần/lần và khuyến khích những người đã tiêm 2 mũi vaccine đi chợ. Nếu tình hình dịch được kiểm soát sau ngày 15/9, dự kiến, thành phố sẽ mở cửa một số ngành kinh doanh như: thương mại điện tử, thiết bị phục vụ y tế, lương thực thực phẩm, cửa hàng xăng dầu, gas,… nhưng phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn.

“Thời điểm nào được mở sẽ phụ thuộc vào kết quả của diễn biến dịch, thứ 2 là địa bàn an toàn. Những ngành này nếu chúng ta quản lý được người tham gia, cung đường vận hành, điểm vận hành đều an toàn thì sẽ mở dần ra”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết.

Trước câu hỏi của người dân về việc nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine thì có được tự do đi lại hay không, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang trong thời kỳ dịch bệnh nên việc sinh hoạt, các hoạt động sản xuất… diễn ra phải có điều kiện, trong đó có vaccine. Theo ông Mãi, người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ sinh kháng thể nhưng không có nghĩa là không mắc bệnh. Vì vậy, ngoài 2 mũi vaccine thì người dân phải đáp ứng các điều kiện khác như 5K, không tụ tập đông người, tuân thủ giãn cách... Nhìn chung, tình hình dịch bệnh được khống chế đến đâu thì các biện pháp phòng chống dịch sẽ nới lỏng đến đó và nguyên tắc cao nhất là an toàn của người dân.

Tiếp tục rà soát và chi bổ sung cho những trường hợp thật sự khó khăn bị bỏ sót

Trong một chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” kỳ trước, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã thông tin việc chi trả gói hỗ trợ đợt 2 của Thành phố sẽ hoàn thành vào ngày 6/9. Tuy nhiên đến nay, nhiều người dân phản ánh vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời: Thành phố đã chỉ đạo các xã phường tiếp tục rà soát và chi trả trong 3-4 ngày tới, địa phương nào có các trường hợp người dân thật sự khó khăn nhưng bị bỏ sót trong danh sách gửi duyệt ban đầu thì có thể bổ sung để Thành phố xem xét duyệt chi bổ sung thêm.

“Có những trường hợp do thống kê tại cơ sở ngay từ ban đầu đã bị sót thì đề nghị bà con liên hệ với phường, xã để được lập danh sách. Những trường hợp phát sinh này có thể kéo dài sau ngày 6/9. Chúng tôi đã chỉ đạo đến các phường, nếu vượt danh sách trước đây thì các phường báo cáo lên trên để ở trên cấp thêm ngân sách”, ông Mãi nhấn mạnh.

Với kiến nghị mong chính quyền Thành phố thanh tra, kiểm tra việc chi hỗ trợ ở các địa phương, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết Thành phố đã và đang thực hiện việc này. Trong thời gian qua, đã phát hiện một số trường hợp sai phạm và đang tiến hành xem xét, xử lý. Thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới.

Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết, nếu tình hình dịch còn kéo dài, người dân vẫn chưa được trở lại với các hoạt động mưu sinh và còn khó khăn, thành phố sẽ tiếp tục cân đối ngân sách để đưa ra gói hỗ trợ sau ngày 15/9. Hiện Thành phố đã giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất, tham mưu về gói hỗ trợ này. Để khắc phục những bất cập của gói hỗ trợ hiện nay, dự kiến gói hỗ trợ mới sẽ không quy định chi tiết các đối tượng được thụ hưởng mà bất cứ người dân nào thất nghiệp, không có thu nhập và thật sự khó khăn đều được xem xét. Gói hỗ trợ mới cũng đang được nghiên cứu triển khai thông qua ứng dụng "An sinh" để tránh tình trạng bỏ sót hoặc trùng lặp đối tượng.

Sẽ sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất

Vấn đề tiếp theo được nhiều người dân quan tâm là việc hỗ trợ các doanh nghiệp, người buôn bán nhỏ lẻ bởi trong thời điểm giãn cách xã hội kéo dài, doanh nghiệp đều mong muốn được hỗ trợ. Ông Phan Văn Mãi cho biết đây là vấn đề lớn và hiện có 3 khó khăn.

Thứ nhất, doanh nghiệp thiếu vốn và vay ngân hàng thì lãi suất ra sao. Chính vì thế vừa qua, TP.HCM có kiến nghị với Ngân hàng nhà nước Việt Nam gói chính sách về khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay và đồng thời đề nghị có cuộc đối thoại thường xuyên giữa ngân hàng với các hiệp hội doanh nghiệp, những người vay để lắng nghe đề xuất, để có thể kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, thành phố có các chương trình hỗ trợ lãi suất, cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay kích cầu và đang khởi động các quỹ, các chương trình góp phần giải quyết khó khăn về nguồn vốn.

Khó khăn thứ hai của doanh nghiệp là lao động, những lao động đã về quê thì không quay trở lại được cho đến khi tình hình dịch bệnh được cải thiện. TP đang phối hợp với các địa phương để giải quyết, đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động động và có những chính sách hỗ trợ nguồn lao động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ ba là việc thuê mặt bằng, thành phố sẽ có gói chính sách hỗ trợ chi phí về mặt bằng, điện nước, dịch vụ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Ông Phan Văn Mãi cho biết những chính sách này sẽ công bố trước ngày 15/9, riêng những chính sách liên quan đến Trung ương sẽ chờ được chấp thuận.

“Trong kế hoạch phục hồi về kinh tế có một phần về chính sách, chính sách của thành phố và chính sách thành phố đề nghị với Trung ương. Khi chúng tôi xây dựng hoàn thiện chúng tôi sẽ thông báo và trong quá trình xây dựng chúng tôi cũng sẽ trao đổi với các hiệp hội, lắng nghe các doanh nghiệp để hình thành các chính sách đó cho sát”, ông Phan Văn Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, trước mắt TP. cần tập trung kiểm soát được dịch, tiêm vaccine và điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong. Ngoài ra, TP. cần có sự chuẩn bị cho việc mở cửa như nhà xưởng, lao động, nguyên liệu và cần phải có thời gian. TP. đang đánh giá, tính toán xem lĩnh vực nào, địa phương nào có thể mở cửa được để sớm thông báo cho doanh nghiệp và người dân./.