Theo đó, báo cáo tại buổi làm việc, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, qua rà soát TP. Hồ Chí Minh có 571 công trình, dự án tồn đọng.
Trong đó, có 265 dự án chậm triển khai; 18 tài sản công; 31 công trình dự án của doanh nghiệp nhà nước; 108 công trình, dự án dừng, tạm dừng do thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; 149 khu đất không sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng.
Trong số 571 công trình dự án tồn đọng, có 541 dự án thuộc thẩm quyền của thành phố, nếu được tháo gỡ sẽ giúp giải ngân được ít nhất 20.000 tỷ đồng, đóng góp không nhỏ vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Riêng với 12 công trình, dự án thuộc thẩm quyền của Trung ương, đến nay 1 dự án đầu tư tư nhân và 1 tài sản công đã được giải quyết, 3 dự án được giao cho các bộ ngành Trung ương phối hợp giải quyết.

Có 5 dự án sắp được Chính phủ ban hành Nghị quyết tháo gỡ gồm: Dự án Saigon Sport City; Dự án Sài Gòn Center IV; Dự án Sài Gòn Center V; Dự án nút giao Gò Dưa; Dự án chống ngập do triều...
Nếu tháo gỡ được 12 công trình dự án này, sẽ đưa vào nền kinh tế tổng vốn đầu tư hơn 90.000 tỷ đồng.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, năm nay TP. Hồ Chí Minh được giao vốn đầu tư công hơn 84.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 14/3 mới giải ngân được 3% (hơn 2.500 tỷ đồng).
Việc giải ngân đầu tư công chậm, do nhiều dự án khởi công trong năm 2025 chưa làm xong thủ tục đầu tư nên chưa bố trí được vốn dẫn đến tồn đọng vốn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho rằng, những tồn tại vướng mắc của 571 dự án, một phần do tâm lý e ngại sợ sệt trong đội ngũ cán bộ... Do vậy, cần phải nhìn thẳng vào vấn đề để giải quyết.
Nêu quan điểm về việc xử lý các dự án tồn đọng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ và sẽ quyết tâm tháo gỡ những dự án này.
Đối với lĩnh vực đầu tư, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh thông tin, thời gian gần đây, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh liên tục tiếp các nhà đầu tư lớn đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Do vậy, Sở Tài chính cần làm thủ tục cho nhà đầu tư nhanh nhất, linh hoạt nhất.
Liên quan đến việc quản lý tài sản công, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Tài chính rà soát lại toàn bộ, tài sản còn có nhu cầu thì sử dụng, những tài sản nào không còn nhu cầu thì bán đấu giá để lấy nguồn thu đầu tư phát triển.
Riêng những tài sản công của Trung ương, bộ ngành đóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nếu sử dụng không hiệu quả thì kiến nghị Trung ương bàn giao lại cho thành phố có biện pháp xử lý, sử dụng vào các mục đích phát triển của thành phố.
Hoàng Bách (t/h)