TPBank: Nguồn thu chính sụt giảm, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh

Admin
Nguồn thu chính của TPBank trong quý 4/2022 là thu nhập lãi thuần sụt giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái về mức 2.779,6 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn tăng đến 67,3% so với hồi đầu năm lên mức hơn 505,4 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần sụt đạt mức 2.779,6 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

TPBank là một trong những ngân hàng hoạt động sôi nổi về trái phiếu.

Các nguồn thu ngoài lãi của TPBank có nhiều biến động trái chiều. Trong khi lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 66,6% đạt mức 816,2 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác tăng 5,6% lên mức 109 tỷ đồng, thì lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm mạnh 69,1% xuống còn 80,5 tỷ đồng. Thậm chí, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của nhà băng này lỗ tới 122 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 53 tỷ đồng).

Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của TPBank giảm 8,5% so với cùng kỳ xuống còn 2.017,3 tỷ đồng.

Trong kỳ, TPBank trích 114,5 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 79,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế của TPBank trong quý 4/2022 vẫn tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 1.902,7 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2022, TPBank đạt 7.828,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 6.260,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng 29,6% so với năm 2021.

Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản TPBank tăng 12% so với đầu năm, lên mức hơn 328.634 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 14% lên mức 160.992 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng đến 40% so với đầu năm, ghi nhận 194.959 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, tổng nợ xấu của TPBank giảm 1,46% so với đầu năm ở mức 1.357,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng của nhà băng này đi lùi khi Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) tăng 67,3% lên mức 505,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2022, TPBank cấp tín dụng khá lớn cho hoạt động kinh doanh bất động sản với hơn 10.165 tỷ đồng, chiếm 6,31% nguồn vốn cho vay của ngân hàng này.

TPBank là một trong những ngân hàng hoạt động sôi nổi trong việc phát hành và mua lại trái phiếu trong năm 2022.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2022, TPBank đã mua lại lần lượt 7 lô trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 7.150 tỷ đồng.

Trong đó, từ tháng 4 đến tháng 6/2022 TPBank đã mua lại 5 lô trái phiếu trước hạn gồm: TPBANKBOND_A4_160420_3Y_2, TPBL2124001, TPBL2124007, TPBL2124008, TPBL2124009 trước khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9/2022. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.

Hai lô trái phiếu TPBL2124015, TPBL2124018 lần lượt được TPBank mua lại sau 29/9/2022 và 29/11/2022.

Cũng theo HNX từ tháng 5 đến tháng 9/2022, TPBank đã phát hành 10 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 6.400 tỷ đồng. Tất cả 10 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 3 năm.

Cụ thể, trong 3 ngày (từ ngày 23/5/2022 đến 26/5/2022), TPBank đã phát hành lần lượt 8 lô trái phiếu TPBL2225001, TPBL2225002, TPBL2225003, TPBL2225004, TPBL2225005, TPBL2225006, TPBL2225007, TPBL2225008 tới tổng giá trị gần 5.000 tỷ đồng.

Đến ngày 21/7/2022, TPBank tiếp tục phát hành lô trái phiếu TPBL2225009 có giá trị 1.100 tỷ đồng. Và ngày 8/9/2022 ngân hàng này phát lô trái phiếu TPBL2225010 với giá trị 300 tỷ đồng.

Mặc dù phát hành trái phiếu dồn dập nhưng dòng tiền thuần của TPBank ghi nhận âm hơn 4.159,6 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương tới 36.452,4 tỷ đồng.

Cụ thể, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TPBank âm gần 1.706 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn dương tới 34.229,2 tỷ đồng; dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư ghi nhận âm 425,4 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 2.028,3 tỷ đồng.