TPBVSK Xuyên Ngân Kiều quảng cáo vượt phép, ai chịu trách nhiệm?

Kỳ Văn
Mặc dù vi phạm Luật Quảng cáo 2012 về việc "Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc" nhưng sản phẩm TPBVSK Xuyên Ngân Kiều được rao bán với công dụng như loại thuốc chữa bệnh.

Trong bài viết "Viên uống Xuyên Ngân Kiều ngang nhiên quảng cáo như một loại thuốc chữa bệnh", Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã phản ánh về việc sản phẩm viên uống TPBVSK Xuyên Ngân Kiều do Công ty Cổ phần Thương mại dược phẩm Bình Minh và Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Evercare (địa chỉ tại thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) phân phối có dấu hiệu quảng cáo sai quy định.

Theo đó, trên mạng xã hội Facebook và website http://www.xuyenngankieu.com quảng cáo rầm rộ sản phẩm viên uống TPBVSK Xuyên Ngân Kiều có công dụng "phòng ngừa và điều trị triệu chứng khởi phát viêm đường hô hấp cấp theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Người bệnh sử dụng bài thuốc ngân kiều tán cùng với vị thuốc xuyên tâm liên sẽ hạn chế triệu chứng khởi phát của bệnh, giúp bệnh giảm bớt, hỗ trợ điều trị và tăng sức đề kháng cho bệnh nhân"; "giúp dự phòng giảm nhanh các triệu chứng khởi phát do viêm đường hô hấp gây ra".

Đáng chú ý, cũng tại webiste trên, viên uống Xuyên Ngân Kiều có hướng dẫn sử dụng như loại thuốc chữa bệnh, người dùng sử dụng 2 đến 3 lần/ngày, mỗi lần 2 viên sẽ giảm triệu chứng như sốt, ho, đờm, đau họng,... Trong khi đó, sản phẩm viên uống Xuyên Ngân Kiều chỉ là TPBVSK theo cấp phép của cơ quan y tế.

Sau phản ánh của VietQ.vn, bài đăng về công dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 đã được gỡ trên trang Facebook. Ảnh: Diệu Hương

Nhằm làm rõ thông tin, phóng viên đã liên hệ tới Công ty Cổ phần Thương mại Dược phẩm Bình Minh, đơn vị công bố và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Trao đổi với phóng viên, nhân viên tư vấn phủ nhận những thông tin phóng viên phản ánh. Người này cho biết, TPBVSK Xuyên Ngân Kiều được sản xuất nhằm mục đích hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp, hỗ trợ phòng ngừa các bệnh như cảm cúm giao mùa. Người này còn cho biết, khi bị cúm chỉ cần sử dụng 2 đến 4 viên Xuyên Ngân Kiều sẽ giảm ngay các triệu chứng...

Khi được hỏi về việc trên trang Facebook có tên Xuyên Ngân Kiều - Hỗ trợ điều trị viêm hô hấp, bài đăng vào ngày 11/8 có tiêu đề "Xuyên Ngân Kiều - Chìa khóa phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19" có gây hiểu lầm cho người dùng hay không, ban đầu nhân viên tư vấn liên tục khẳng định những từ liên quan đến Covid, Facebook hạn chế cho đăng. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thì người này nói, chắc là đăng từ lâu nên chưa xoá.

Chưa dừng lại ở đó, khi phóng viên vào vai một khách hàng tìm hiểu về sản phẩm, nhân viên tư vấn cho biết khi mua viên uống TPBVSK Xuyên Ngân Kiều, khách hàng sẽ nhận kèm hoá đơn mà không có thêm bất cứ giấy tờ nào khác. Khi phóng viên liên hệ yêu cầu đơn vị phân phối cung cấp những giấy tờ liên quan thì nhân viên này khẳng định có đầy đủ giấy tờ nhưng không cung cấp.

Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012, các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm cũng quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Đối chiếu các quy định trên có thể thấy, sản phẩm viên uống TPBVSK Xuyên Ngân Kiều do Công ty Cổ phần Thương mại Dược phẩm Bình Minh chịu trách nhiệm đưa ra thị trường đang quảng cáo theo kiểu “thổi phồng” về công dụng, cố ý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về công dụng thực sự của thực phẩm chức năng/TPBVSK, trái quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/TPBVSK.

Đề nghị Thanh tra Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý hành vi sai phạm trong quảng cáo TPBVSK nêu trên.