TP.HCM kêu gọi “giải cứu” hoa Tết

Kỳ Văn
Nhận thấy tình hình dịch bệnh và thời tiết ảnh hưởng thị trường hoa Tết năm nay, sở Công thương TP.HCM đã kêu gọi người dân ủng hộ.

Có tấm lòng, chưa chắc hiệu quả

Chiều 10/2 (tức 29 Tết), sở Công thương TP.HCM vừa phát đi văn bản đến các cơ quan báo chí trong việc “thông tin hỗ trợ các thương nhân kinh doanh hoa Đà Lạt”.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, Phó Giám đốc sở Công thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú nói: “Qua nắm thông tin của các nhà vườn cung ứng hoa Tết trên địa bàn TP.HCM, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên hoa tươi Đà Lạt không thể vận chuyển đến khu vực miền Bắc để tiêu thụ, xuất khẩu”.

Do đó, số lượng hoa tươi vận chuyển về TP.HCM để trưng bày, mua bán số lượng rất nhiều. Giá hoa đang có xu hướng giảm, sức mua thấp.

Tiêu dùng & Dư luận - TP.HCM kêu gọi “giải cứu” hoa Tết

Năm nay, thị trường hoa Tết trầm lắng hơn khi sức mua thấp, giá có dấu hiệu giảm.

Nhằm thế hiện tinh thần trách nhiệm, đồng hành cùng các hộ nông dân, thương nhân kinh doanh hoa trên địa bàn TP.HCM, các tỉnh Đông – Tây Nam Bộ và đặc biệt là Lâm Đồng nên sở Công thương TP này đề nghị người dân chia sẻ khó khăn bằng cách đến hỗ trợ mua hoa.

Các địa điểm bao gồm: Chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Thủ Đức), chợ hoa tươi Đầm Sen (quận 11), khu chuyên doanh hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10) và chợ hoa Tết tại công viên 23 tháng 9 (quận 1), công viên Lê Văn Tám (quận 1), công viên Gia Định (quận Phú Nhuận), khu vực bến Bình Đông (quận 8) cùng các điểm kinh doanh hoa trên địa bàn.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, người dân khi đến mua hoa phải đảm bảo thực hiện quy định đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách khi tiếp xúc,…

Nói về văn bản vận động hỗ trợ của sở Công thương TP.HCM, một số tiểu thương tại công viên Gia Định cho rằng, đúng 12h trưa ngày 11/2 (tức 30 Tết) là thời điểm tất cả các tiểu thương chợ hoa xuân phải dọn dẹp gian hàng để bàn giao cho công nhân môi trường dọn dẹp, trả lại mặt bằng.

Vì thế, văn bản phát đi vào chiều 29 Tết cũng là “có ý tốt nhưng hiệu quả còn hạn chế”.

May rủi theo người tiêu dùng

Từ ngày 20 tháng Chạp đến nay, số hoa bày bán ở dọc bến Bình Đông không nhiều như mọi năm. Lượng ghe, thuyền chở hoa Tết cũng không tấp nập như trước đây.

Anh Lữ Long Hoà (quê Bến Tre) cho biết: “Số lượng cây hoa mai đem lên bến Bình Đông bày bán ước tính khoảng 15 tỷ. Mỗi gốc mai có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu. Khách mua mai ít mà mua để thuê trưng Tết thì nhiều. Mỗi cây thuê cũng vài triệu đến vài chục triệu”.

Còn anh Nguyễn Minh Tâm (quê Tiền Giang) chia sẻ: “Gia đình tôi bận rộn đưa cây mai, hoa giấy, vạn thọ,…lên TP.HCM để bán.

Năm ngoái phải bán đến mùng 1 Tết mới về nhà, tính lại lỗ 50 - 70 triệu đồng. Năm nay dịch bệnh không biết có lấy lại vốn được không, nhưng vì nghề cha truyền con nối đã 3 đời nên lỗ lời gì cũng phải theo”.

Ông Đinh Văn Hào (quê tỉnh Đồng Tháp) cho hay: “Tết năm nay, tôi bán khoảng 150 chậu hoa mai bon sai và mai thế. Giá hoa cũng dao động từ bình dân đến cao cấp để người mua có nhiều lựa chọn.

Trong đó, những chậu mai có thế đẹp, nhiều năm tuổi có giá khá cao từ 5-20 triệu đồng/chậu”, ông Hào nói.

Tại công viên Gia Định, các loại hoa treo có giá từ 50-100 ngàn đồng/chậu; quất loại nhỏ và vừa có giá từ 700-800 ngàn đồng/chậu, quất loại cây lớn có giá từ 1-2 triệu đồng/chậu.

Tiêu dùng & Dư luận - TP.HCM kêu gọi “giải cứu” hoa Tết (Hình 2).

Sở Công thương TP.HCM vận động người dân "giải cứu" hoa Tết.

Phong phú nhất là các loại hoa lan với giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng/chậu, thậm chí cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, bán được nhất vẫn là loại lan có giá từ 1-2 triệu đồng/chậu.

Theo chia sẻ của nhiều tiểu thương, những năm gần đây nhiều người chuyển từ chơi cúc, ly, mai, đào sang hoa lan nên loại cây này khá hút khách.

Hoa lan có thể chơi lâu, màu sắc đa dạng và dễ kết vào chậu lớn, nhỏ tùy theo sở thích của người chơi.

Quan trọng hơn, sau Tết hoa lan còn được nhiều người đem dưỡng hoặc bán lại cho các nhà vườn để chăm sóc cho những mùa hoa sau.

Có được mặt bằng đẹp, nhiều chủ vựa hoa lại phải tất tả thuê xe chở hoa đi bán.

Mỗi chuyến hàng tùy quãng đường xa gần mà thương lái bỏ ra đủ loại chi phí từ thuê xe, nhân công chăm sóc, cộng thêm tiền công đưa hoa lên xuống xe mất vài triệu đồng nữa nên tính ra chi phí bỏ ra khá lớn.

“Nghề này khó đoán trước chuyện lời hay lỗ bởi thị trường quyết định tất cả. Nếu lấy tại vườn rẻ và bán giá mềm sẽ rất chạy hàng còn giá gốc cao thì chủ vựa muốn đẩy lên cũng khó.

Thường chúng tôi chỉ bán thăm dò những ngày đầu, buôn bán đắt khách mới thuê xe chở lên bán tiếp, không thì dừng lại ở mức vừa phải để hàng được bán hết”, một tiểu thương chia sẻ.