TP.HCM khẩn trương hỗ trợ người dân khó khăn do dịch bệnh Covid-19

Kỳ Văn
Có 6 nhóm đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nếu có hộ khẩu thường trú và tạm trú sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày, tính từ 31/5/2021 đến 29/6/2021.

Sáng 10/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến với Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện và thành phố Thủ Đức về triển khai kế hoạch phối hợp thực hiện chăm lo và giám sát chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Theo Công văn số 2209 do Ủy ban Nhân dân TP.HCM ban hành ngày 1/7/2021 về triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 09 của Hội đồng nhân dân Thành phố, có 6 nhóm đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 được hỗ trợ. Cụ thể là những người bán hàng rong, buôn gánh bán bưng; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động... Những người này nếu có hộ khẩu thường trú và tạm trú sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày, tính từ 31/5/2021 đến 29/6/2021.

Tại hội nghị, bà Dương Thị Huyền Trâm, Trưởng Ban Phong trào - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho biết, từ ngày 29/5 đến 5/7, thành phố đã thực hiện hỗ trợ các lực lượng tham gia trực ở 3.326 chốt tại khu vực phong tỏa, với số tiền trên 16,6 tỷ đồng để mua nhu yếu phẩm cho các hộ dân trong khu vực phong tỏa; mua vật tư y tế cần thiết cho công tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và tiêm vaccine trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Thành phố đã chuyển hàng hóa, vật tư y tế, nhu yếu phẩm các loại, như khẩu trang y tế, đồ bảo hộ, gạo, sữa, rau củ quả, dung dịch sát khuẩn tay… trị giá hơn 5 tỷ đồng, chuyển đến các khu cách ly, các hộ dân của thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.

Theo bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để đảm bảo an sinh xã hội.

"Đối với những người dân trong khu vực phong tỏa thì đã có những gói chi mua nhu yếu phẩm thiết yếu trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16, quan tâm hỗ trợ cho những trường hợp khó khăn, hoặc không có ký kết hợp đồng lao động, lao động tự do. Mặt trận tổ quốc thành phố phối hợp với các tổ chức thành viên vận hành các Siêu thị 0 đồng, những bữa ăn tình thương, ATM gạo... Bên cạnh đó cũng trích ra 1 phần 300.000 đồng để mua nhu yếu phẩm thiết yếu trao tặng những trường hợp yếu thế gặp khó khăn trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16”, bà Hương cho hay.

Là đơn vị phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM trong công tác chăm lo cho người yếu thế, bà Huỳnh Thị Kim Xuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết, Hội đã nắm tình hình sản xuất của nông dân trên địa bàn thành phố, sau đó kết nối với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn và UBND các quận, huyện mang sản phẩm của nông dân đến các kênh phân phối thuộc hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố.

"Để hỗ trợ cho người nông dân, Hội Nông dân TP.HCM cũng xuất kinh phí hơn 200 triệu đồng, mua sản phẩm của người nông dân hỗ trợ các điểm đang thực hiện cách ly và hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn trong các điểm phong tỏa"- bà Huỳnh Thị Kim Xuyến nói.

Về công tác triển khai gói an sinh xã hội, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM cho hay, các công đoàn cơ sở đang tiếp tục khảo sát để làm sao hỗ trợ được ngay cho những trường hợp khẩn cấp.

"Chúng tôi triển khai đến công đoàn cơ sở về việc thống kê và tiến hành ngay các thủ tục để hỗ trợ cho người lao động phải ngưng hoặc hoãn hợp đồng lao động. Mức độ ảnh hưởng khá căng thẳng, mặc dù chúng ta có những quyết sách rất kịp thời. Điều chúng tôi quan tâm hiện nay là làm sao thực hiện việc này hết sức khẩn trương, vì nhu cầu cuộc sống của công nhân, người lao động không thể chờ chúng ta được"- ông Trần Đoàn Trung cho biết.

Đồng tình quan điểm này, ông Ngô Văn Luận, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM cho rằng, cần phối hợp tốt hơn nữa giữa việc tuyên truyền, chăm lo cho người dân và đẩy mạnh hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, đảm bảo “không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau, không để bất cứ người dân nào bị đói, khổ, cùng cực do dịch bệnh”./.